Hà Nội

ISIS đánh bom tàn khốc

01-12-2014 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 29/11, nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng đã tiến hành một vụ đánh bom kép nhằm vào đồn biên phòng của người Kurd ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 29/11, nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng đã tiến hành một vụ đánh bom kép nhằm vào đồn biên phòng của người Kurd ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, châm ngòi cho các cuộc giao tranh ác liệt tại thành phố Kobane liền kề.

Các quan chức người Kurd và Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, 2 vụ tấn công của ISIS nói trên được tiến hành từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ thông tin này, cho rằng điều đó là “bịa đặt”. Giám đốc SOHR Rami Abdel Rahman xác nhận: “Giao tranh đã lần đầu tiên nổ ra tại khu vực này sau 2 vụ tấn công của lực lượng thánh chiến lúc rạng sáng nhằm vào một đồn biên phòng nằm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Kobane”. Cuộc tấn công đã khiến đụng độ bùng phát dữ dội giữa ISIS và Đơn bị bảo vệ nhân dân (YGP), lực lượng người Kurd đang chiến đấu trong hơn 2 tháng qua để bảo vệ thị trấn Kobane. SOHR cho biết thêm, các vụ đụng độ và không kích tại Kobane trong 24 giờ qua đã khiến 39 người thiệt mạng, trong đó có 11 chiến binh người Kurd và 28 phiến quân ISIS, kể cả những kẻ đánh bom liều chết nói trên. Cùng ngày, quân đội Pháp thông báo 3 chiến đấu cơ Mirage của nước này đã được triển khai đến Jordan để hỗ trợ cuộc chiến chống ISIS.

​ISIS hành quyết công khai những người chống đối.

Trong một diễn biến khác, nhà chức trách Áo đã bắt giữ 13 nghi can tuyển mộ thanh niên tham gia các nhóm thánh chiến Hồi giáo. Các công tố viên Áo cho biết đã tịch thu tiền mặt và tài liệu tuyên truyền trong các cuộc đột kích. Theo những công tố viên này, các nghi can đã liên lạc với các nhóm chiến binh Hồi giáo và tìm cách đưa thanh niên đến Syria và Iraq để tham chiến cùng ISIS cũng như các lực lượng cực đoan khác. Hôm 28/11, cảnh sát và công tố viên Áo đã triển khai một chiến dịch truy quét quy mô lớn ở Thủ đô Vienna, thành phố Graz và một số nơi khác, nhằm vào những đối tượng tình nghi tuyển mộ các phần tử Hồi giáo. Theo Bộ Nội vụ Áo, khoảng 160 thanh niên nước này đã đến Syria và Iraq để gia nhập lực lượng thánh chiến.

ISIS khởi đầu được thành lập với tên ISI (Islamic State of Iraq - Quốc gia Hồi giáo Iraq) để chống lại Chính phủ Iraq thân Mỹ và do người Hồi giáo Shia (Shi’ite) thao túng. Sau rất nhiều chật vật, cuộc khủng hoảng ở Syria nổ ra khiến ISI đổi hướng quyết định tham chiến ở đây. Đây là “một mũi tên trúng hai đích”: vừa tiếp tục thống nhất cộng đồng Hồi giáo (Sunni) khắp thế giới dưới một thể chế chung, vừa “hợp pháp hóa” chiến tranh vì kẻ thù mới không phải là Mỹ nữa mà là chính quyền Hồi giáo Shia của Syria. Cùng với sự chuyển hướng này, tên của ISI đổi thành ISIS (Islamic State of Iraq and Syria - Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria). Rất ít người biết rằng ISI đã tự động gia nhập với chi nhánh Al-Qaeda ở Syria mà không hề được phép của thủ lĩnh Al-Qaeda là Al-Zawahiri. Sau một tháng giữ im lặng, Al-Zawahiri đề nghị ISIS rời tổ chức. Lãnh đạo ISIS là Al-Baghdadi không thèm quan tâm, thậm chí ra tay giết luôn người đại diện đàm phán. Cực chẳng đã, vào đầu tháng 2 năm nay, Al-Qaeda tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với ISIS, với lý do được cho là ISIS hết sức man rợ, đến mức một tổ chức khủng bố như Al-Qaeda cũng không thể dung nạp.Tuy nhiên, đây chỉ là một lý do. Al-Qaeda đương nhiên không thích bị một nhánh đàn em vượt mặt. Thêm nữa, Al-Qaeda không muốn ISIS dính mũi vào miếng bánh Syria, giữa tổ chức mẹ và nhánh con có khá nhiều mâu thuẫn về vùng chiếm đóng. Một điều mà Al-Qaeda không ngờ là khi ISIS tách ra, 65% chiến binh của Al-Qaeda cũng bỏ đi theo ISIS.

Điều quan trọng nhất khiến ISIS trở nên vô cùng nguy hiểm chính là việc tổ chức này không chỉ đơn giản là một nhóm khủng bố với tham vọng toàn cầu như Al-Qaeda. ISIS không đánh rồi rút. ISIS đánh và lập nên nhà nước của riêng mình. Điều này khiến cả thế giới bất ngờ vì các tổ chức khủng bố hầu như không có tiền lệ lập quốc. Việc xuất hiện một “quốc gia khủng bố” là cơn ác mộng không được dự đoán trước. Nguy hiểm hơn, quốc gia khủng bố này không nằm trong sa mạc mà bao trùm những giếng dầu béo bở. Khởi đầu, ISIS chỉ nhận viện trợ từ những quốc gia dầu lửa dòng Hồi giáo Sunni muốn lật đổ chính quyền Syria dòng Hồi giáo Shia. Khi quân đội Iraq bỏ chạy, ISIS “tiếp quản” luôn hàng triệu USD vũ khí tối tân mà Mỹ viện trợ. Thử làm một phép so sánh, khi tấn công tòa Tháp đôi ở New York, Al-Qaeda chỉ có 30 triệu USD tiền quỹ và được coi là giàu có. Hiện nay, ngân quỹ của ISIS đã lên tới 2 tỷ USD.

(Theo CNN, BBC)

Quỳnh Anh

 

 


Ý kiến của bạn