Iran từ chối cuộc gặp không chính thức với Mỹ và châu Âu

02-03-2021 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Iran đã bác bỏ ý tưởng tiến hành cuộc gặp không chính thức với Mỹ và các cường quốc châu Âu khác để thảo luận về cách thức khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, tái khẳng định Washington cần phải dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.

Iran: Chưa phải lúc thích hợp để gặp mặt không chính thức giữa các bên

Truyền thông Iran, ngày 1/3, dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết “dựa trên những hành động và tuyên bố gần đây của Mỹ và 3 cường quốc châu Âu, Iran không cho rằng hiện tại là thời điểm để tổ chức cuộc gặp không chính thức với các nước này, theo đề xuất của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU)”. Trước đó, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Joseph Borrell từng đề xuất một cuộc gặp không chính thức giữa Iran với Mỹ và các nước từng ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

“Trên cơ sở lập trường và hành động gần đây của Mỹ và các nước châu Âu, Iran không cần phải tính đến thời điểm thích hợp để tổ chức các cuộc họp do điều phối viên châu Âu đề xuất. Bước đi đầu tiên cần thiết là chính quyền Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, tuy nhiên, hiện chưa có sự thay đổi về lập trường và hành vi của Mỹ, chính quyền ông Biden vẫn tiếp tục chính sách gây áp lực tối đa với Iran vốn đã thất bại dưới thời ông Trump” - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố.

Về khôi phục Thỏa thuận hạt nhân: Iran từ chối cuộc gặp không chính thức với Mỹ và châu ÂuTheo Iran, hiện chưa phải lúc thích hợp để gặp mặt không chính thức giữa các bên.

Cùng ngày, truyền thông Iran còn dẫn lời người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi cảnh báo Tehran sẽ đáp trả thích đáng trong trường hợp ban lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ra nghị quyết nhằm vào việc Iran đình chỉ thực hiện Nghị định thư Bổ sung liên quan tới hoạt động thanh sát các cơ sở hạt nhân. Động thái của người đứng đầu AEOI được đưa ra trước khi ban lãnh đạo IAEA dự kiến tiến hành một phiên họp trong ngày 1/3 để thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran.

Trước đó, Iran đã tạm dừng thực thi Nghị định thư Bổ sung của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Iran cũng chính thức bắt đầu hạn chế các cuộc thanh sát của IAEA với các cơ sở hạt nhân của nước này. Đây là những bước đi nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã tái áp đặt với Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2018.

Mỹ: Thất vọng nhưng không từ bỏ hy vọng

Hãng tin CNN (Mỹ) cho hay trước tuyên bố trên của Tehran, chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự thất vọng nhưng khẳng định Mỹ vẫn mong muốn đạt được mục tiêu “cùng trở lại tuân thủ thỏa thuận” với Iran.

“Mặc dù chúng tôi thất vọng về phản ứng của Iran, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng hợp tác bằng chính sách ngoại giao có ý nghĩa để 2 bên quay trở lại đàm phán, sớm tuân thủ các cam kết trong JCPOA” - Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định. Washington cho biết sẽ tham vấn các bên còn lại trong thỏa thuận, gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga, về hướng đi sắp tới.

Trả lời hãng tin Reuters (Anh), một nguồn tin cấp cao trong Chính phủ Mỹ nhận định lời từ chối của Tehran chỉ là một phần tiến trình ngoại giao. Dù phía Iran từ chối gặp mặt không chính thức, nước này có thể vẫn cởi mở với những ý tưởng và mô hình đối thoại khác.

Các chuyên gia đối ngoại cho rằng vẫn có hy vọng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân bất chấp việc Iran từ chối đề xuất gặp mặt không chính thức của EU. Theo nhận định của các chuyên gia đối ngoại, việc từ chối của Iran có thể nhằm đạt được đòn bẩy đàm phán.

Trong diễn biến liên quan, trước cuộc họp thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran của IAEA diễn ra ngày 1/3, Đại diện thường trực của Nga Mikhail Ulyanov kêu gọi ban lãnh đạo IAEA theo đuổi cách tiếp cận “có trách nhiệm”, bởi điều này sẽ đóng vai trò tiên quyết đối với những diễn biến có liên quan tới chương trình hạt nhân Iran và triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.     

 


Hà Anh
Ý kiến của bạn