Trong một tuyên bố mới nhất, ông Ali Akbar Velayati, cố vấn hàng đầu của Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei nhấn mạnh: Iran đã sẵn sàng làm giàu uranium cấp độ cao hơn mức cho phép trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.Với tuyên bố này, có vẻ như Iran “không nói suông”. Bởi nếu các nước EU không hành động, Iran sẽ làm giàu urani ở cấp độ cao, hơn 3,67% và tăng dự trữ uranium làm giàu 300 kg từ ngày Chủ nhật (7/7). Theo các chuyên gia, Iran cần 1050 kg uranium làm giàu thấp để làm bom hạt nhân. Iran hiện nay có 19.000 máy ly tâm và có thể tăng tỷ lệ làm giàu cao hơn trong vòng vài tuần, cũng như có khả năng sản xuất bom hạt nhân trong vòng một năm.
Như vậy với tuyên bố của Iran, “đạn đã được lên nòng”. Thái độ cứng rắn của Iran được cho xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, việc Mỹ phá bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và liên tục gia tăng sức ép và các lệnh trừng phạt Iran, mà mới đây nhất là những lệnh trừng phạt nhằm vào cá nhân Đại giáo chủ Kha-mơ-nây, hòng buộc nước này phải đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới “theo ý Mỹ” khiến Iran bất bình và phản kháng bằng mọi cách. Thứ hai, Iran cho rằng việc các nước châu Âu “thờ ơ” và “thiếu trách nhiệm” với thỏa thuận đã kýlà điều không thể chấp nhận được. Theo Iran, việc các nước châu Âu “khoanh tay” không làm gì ngăn chặn các hành động của Mỹ nhằm vào Iran đã gián tiếp vi phạm thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015. Vì thế, việc Iran “gửi tối hậu thư” cho các quốc gia EU được cho là “một mũi tên nhắm tới hai đích”, vừa cảnh báo EU, vừa bắn tiếng với Mỹ rằng Iran không nhân nhượng và đã sẵn sàng hành động.
Giới phân tích nhận định Iran có thể nâng mức làm giàu uranium lên 5% bởi đây là mức Iran đã sản xuất trước thời điểm tháng 1/2014 khi đàm phán về thỏa thuận hạt nhân đang diễn ra. Do đó, việc Iran có thể nâng mức làm giàu uranium lên 5% trở lại, sẽ đẩy vấn đề hạt nhân của Iran trở lại vạch xuất phát.
Một lò phản ứng hạt nhân của Iran.
Iran thực hiện động thái này khi kết thúc thời hạn 60 ngày đặt ra cho các nước châu Âu tham gia thỏa thuận thực hiện các biện pháp phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Iran cho rằng các cơ chế mà Anh, Pháp, Đức đưa ra không đáp ứng "nhu cầu" của Tehran. Những leo thang này khiến thế giới hiện đang đứng trước cuộc đối đầu quân sự giữa Iran và Mỹ sau ngày Chủ nhật này và Iran có thể bị tái "áp đặt lại" các lệnh trừng phạt quốc tế.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là các nước EU sẽ hành động như thế nào trước tuyên bố của Iran? Hiện chưa có những tín hiệu nào cho thấy EU sẽ đưa ra các chính sách bảo vệ Iran. Tuy nhiên, ngày 06/7, Phủ Tổng thống Pháp cho biết, trong cuộc điện đàm kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Iran Hassan Rohani đã đạt được đồng thuận nhằm tạm thời giảm căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran.Cụ thể, Tổng thống hai nước Pháp và Iran đã nhất trí một thời hạn từ nay đến ngày 15/7 để nghiên cứu các điều kiện nhằm nối lại đàm phán xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, đặc biệt là thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5 1, vốn đang rơi vào khủng hoảng sau khi Mỹ rút lui. Hiện, các nước châu Âu lo ngại những leo thang này có thể phá vỡ thỏa thuận hạt nhân và sẽ dẫn đến một cuộc chiến không lường trước. EU kêu gọi Iran kiềm chế đồng thời cho biết sẽ không tìm cách áp đặt lại các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Tehran vào lúc này.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran đang căng như “dây đàn” với những cáo buộc tấn công và bắt giữ các tàu chở dầu ở vùng Vịnh Oman, việc Iran có thể nâng mức làm giàu uranium trở lại sẽ đẩy hồ sơ hạt nhân Iran căng thẳng trở lại, đồng thời có thể khiến Mỹ và đồng minh gia tăng thêm các biện pháp trừng phạt Iran. Nghiêm trọng hơn, sự vênh nhau trong lập trường và thái độ giữa Mỹ với Iran; sự căng thẳng không kiểm soát có thể dẫn tới nguy cơ đối đầu quân sự nếu các bên không kiềm chế. Rõ ràng, hồ sơ hạt nhân Iran đang đứng trước ngưỡng nguy hiểm mới, đòi hỏi các bên cần có những bước đi thận trọng và tỉnh táo.