Iran lại “xới” thêm mâu thuẫn hạt nhân

07-01-2021 19:05 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngay sau khi chính quyền Iran thông báo đang thực hiện làm giàu uranium lên mức 20% tại cơ sơ hạt nhân ngầm Fordow, ngày 6/1, Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Israel và Nga đồng loạt lên tiếng phản ứng.

Vượt xa ngưỡng cam kết trong thoả thuận hạt nhân 2015

Ngày 4/1, Chính phủ Iran thông báo đã nối lại việc sản xuất uranium với độ làm giàu lên tới 20% mức tinh khiết tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow, vượt xa ngưỡng cam kết theo Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Mỹ cùng Đức.

Người phát ngôn Chính phủ Iran, Ali Rabeie xác nhận: “Quá trình sản xuất uranium với độ làm giàu lên tới 20% đã được khởi động tại tổ hợp làm giàu (uranium) Fordow”. Được biết, JCPOA quy định Iran chỉ được phép làm giàu uranium ở tỷ lệ 3,67%.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), ngày 5/1, cũng đã xác nhận Iran bắt đầu cung cấp uranium đã được làm giàu tới 4,1% vào 6 máy ly tâm tại nhà máy làm giàu nhiên liệu Fordow để làm giàu thêm lên tới 20%.

Iran đang thực hiện làm giàu uranium lên mức 20% tại cơ sơ hạt nhân ngầm Fordow.

Iran đang thực hiện làm giàu uranium lên mức 20% tại cơ sơ hạt nhân ngầm Fordow.

Đồng loạt lên tiếng

Dù phía Iran vẫn khẳng định tỉ lệ làm giàu uranium của nước này hiện vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân, song EU lên tiếng cảnh báo việc Iran nâng cấp độ làm giàu uranium ở mức 20% là “nguy hiểm” và làm chệch hướng các cam kết của nước này theo thỏa thuận JCPOA. Khối này sẽ đợi cho đến khi có cuộc họp với Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi để đưa ra hành động cụ thể.

Người phát ngôn EU Peter Stano nhấn mạnh: “Hãy để tôi nhắc lại một lần nữa về tầm quan trọng của việc cần tránh bất kỳ bước đi nào có thể làm suy yếu việc duy trì thỏa thuận hạt nhân. Thỏa thuận hạt nhân lịch sử sẽ chỉ có thể được duy trì khi tất cả các bên tham gia thực hiện nghĩa vụ của mình...”.

LHQ cũng lên tiếng kêu gọi Iran và các bên liên quan lập tức tuân thủ Kế hoạch JCPOA. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato bày tỏ: “Chính phủ Nhật Bản quan ngại sâu sắc trước động thái vi phạm thỏa thuận hạt nhân này”.

Đỗ lỗi cho Mỹ?

Ngày 6/1, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về quyết định của Iran về việc làm giàu uranium lên mức 20%. Bộ trên khẳng định động thái của Iran đã “chệch hướng” JCPOA, song  nguyên nhân sâu xa của những bước đi chệch hướng như vậy là do những “hành vi vi phạm toàn diện một cách có hệ thống” của Mỹ đối với các nghĩa vụ quốc tế, cụ thể là hành động kích hoạt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran từ năm 2018. Nga coi lệnh cấm vận này là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an đề cập tới JCPOA. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, để khôi phục lại những tổn thất đã gây ra với JCPOA, Mỹ cần dừng ngay tiến trình hủy hoại thỏa ước này. Đổi lại, Tehran cần phải có những bước đi tương xứng một khi Washington bắt đầu trở lại với thỏa thuận.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng hành động làm giàu uranium lên mức 20% của Iran là một nỗ lực rõ ràng nhằm gia tăng chiến dịch “tống tiền hạt nhân” và nỗ lực đó chắc chắn sẽ thất bại. Theo Bộ này, động thái làm giàu uranium mới của Iran được cho là nhằm mục đích gây sức ép buộc Mỹ và các nước châu Âu dỡ bỏ trừng phạt, được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm khi gia tăng căng thẳng giữa quốc gia Hồi giáo này với Mỹ trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngày 6/1, Tổng thống Trump phê chuẩn loạt lệnh trừng phạt mới áp đặt lên 12 doanh nghiệp sản xuất thép và các kim loại khác của Iran với lý do “đó là nguồn thu tài chính quan trọng của chính quyền Tehran, tạo ra của cải cho giới lãnh đạo nước này và tài trợ cho một loạt hoạt động “bất chính”. Theo các nhà phân tích chính trị ở Washington, Tổng thống Trump có thể hướng tới một cuộc xung đột với Iran, từ đó chuyển hướng chú ý của dư luận khỏi sự thất bại của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, đồng thời cũng làm gia tăng khó khăn trong việc hoạch định chính sách Trung Đông của người kế nhiệm Joe Biden. Được biết, sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2021, ông Biden dự định sẽ giảm bớt “áp lực tối đa” của Mỹ đối với Tehran, khôi phục liên lạc và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.


Hà Anh
Ý kiến của bạn