Hà Nội

Iran: Động đất hay vụ thử hạt nhân bí mật?

10-10-2024 10:50 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sau trận động đất ở tỉnh Semnan, Iran ngày 5/10, nhiều nghi vấn cho rằng đây có thể không phải là hiện tượng tự nhiên, mà là kết quả của một vụ thử hạt nhân bí mật từ Tehran.

Theo Trung tâm Địa chấn thuộc Đại học Tehran, vào lúc 22 giờ 45 phút ngày 5/10 (giờ địa phương), một trận động đất mạnh 4,6 độ Richter đã xảy ra tại thành phố Aradan, với dư chấn lan đến khu vực phía đông Tehran. Tâm chấn nằm sâu 12 km dưới lòng đất, tại tọa độ 35,42° bắc và 52,78° đông.

Iran: Động đất hay vụ thử hạt nhân bí mật?- Ảnh 1.

Một biểu ngữ có hình Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei được đặt cạnh tên lửa đạn đạo tại Quảng trường Baharestan ở Tehran, ngày 26/9. (Nguồn: AFP)

Sau sự kiện này, một số ý kiến cho rằng Iran có thể đang tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân bí mật. Những suy luận này xuất hiện trong bối cảnh Iran liên tục tuyên bố có thể điều chỉnh chiến lược phòng thủ nếu phải đối mặt với áp lực từ bên ngoài, đặc biệt là từ Israel. Điều này khiến một số người đặt câu hỏi về việc Iran có thể đang xem xét lại lệnh cấm sử dụng vũ khí hạt nhân của lãnh đạo tối cao nước này.

Tuy nhiên, NorNews – một trang tin tức gần với Hội đồng An ninh Quốc gia Iran đã bác bỏ những thông tin này, khẳng định rằng thử nghiệm hạt nhân không nằm trong chính sách quốc phòng của Iran. Dù vậy, không ít người vẫn nghi ngờ về khả năng Iran có thể thực hiện một vụ thử mà không cần công bố thay đổi chính sách một cách công khai.

Iran có địa điểm thử nghiệm hạt nhân bí mật?

Năm 2019, Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (FDD) tại Washington đã công bố một báo cáo cho biết, Iran có thể đã xây dựng các địa điểm thử hạt nhân bí mật từ nhiều năm trước, gọi là "Dự án thực địa". Báo cáo này cho rằng Iran đã thực hiện các cuộc thử nghiệm chất nổ phi hạt nhân ở khu vực phía đông nam Semnan từ năm 2003, nhằm phát triển phương pháp đo lường địa chấn trong các vụ nổ hạt nhân ngầm.

Mặc dù Iran thừa nhận sự tồn tại của trung tâm vũ trụ Imam Khomeini và một căn cứ tên lửa trong khu vực này, nhưng khoảng cách giữa các cơ sở này và tâm chấn trận động đất là hơn 100 km. Tuy vậy, một số ý kiến vẫn tiếp tục nêu ra khả năng Iran có thể sở hữu một cơ sở hạt nhân bí mật ở Semnan, thay vì sử dụng các địa điểm hạt nhân đã được biết đến như Natanz.

Iran là quốc gia có tần suất động đất cao, nên vẫn có cơ sở để khẳng định trận động đất vừa qua là hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch trong các hoạt động hạt nhân của Iran với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế tiếp tục làm dấy lên những nghi ngờ về nguyên nhân thực sự của trận động đất này.

Hezbollah tấn công Haifa bằng tên lửa sau khi Israel không kích BeirutHezbollah tấn công Haifa bằng tên lửa sau khi Israel không kích Beirut

SKĐS - Ngày 7/10, quân đội Israel cho biết Hezbollah đã phóng hàng loạt tên lửa vào thành phố cảng Haifa, sau khi Israel thực hiện không kích dữ dội vào Beirut.


Xuân Minh
(Theo Euronews
Ý kiến của bạn