Vì đâu Iran có động thái rời bỏ JCPOA?
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran với nhóm P5 1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) được coi là “chốt chặn” cuối cùng kiểm soát các chương trình hạt nhân ở Iran. Nhưng kể từ sau khi Mỹ tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018, đồng thời liên tục “dội” những đòn trừng phạt nhằm vào Iran, quốc gia Hồi giáo đã chịu những sức ép rất lớn, ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế quốc gia.
Đây là những lý giải cho loạt động thái gần đây của Iran: từ các vụ tấn công tàu chở dầu ở vịnh Ba tư, bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, hay tấn công các cơ sở quân sự có sự xuất hiện của Mỹ đều có bóng dáng của Iran. Trên mặt trận ngoại giao, Iran đề xuất các nước châu Âu can thiệp nhằm ngăn chặn tác động từ các đòn trừng phạt của Mỹ, “lá bài chủ chốt” cuối cùng đã được Iran đưa ra là không còn tuân thủ JCPOA.
Thỏa thuận hạt nhân Iran có nguy cơ bị đổ vỡ
Đó là việc Iran bắt đầu thu hẹp dần cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015. Ngày 7/11, Iran đã bắt đầu bơm khí uranium vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow, chính thức nối lại hoạt động làm giàu uranium. Iran sẽ làm giàu urani ở mức 5% tại cơ sở hạt nhân Fordow và nước Cộng Hòa Hồi giáo này có khả năng nâng mức làm giàu urani lên 20% nếu cần thiết.
Theo người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng Hạt nhân Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi, tiến trình này sau khoảng vài giờ sẽ đi vào ổn định và dự kiến đến ngày 9/11, khi các thanh sát viên của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thăm khu vực này lần nữa, thì mức độ làm giàu uranium sẽ đạt 4,5%.
Trong Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 quy định, Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67% thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và mức 20% mà Iran đã đạt được hồi trước khi thỏa thuận được ký kết. Chỉ trong vài ngày Iran “chạm tới mức” vi phạm JCPOA. Quốc gia Hồi giáo này từng cảnh báo, họ đủ khả năng làm giàu urani cao hơn cả mức 20% trước đây.
Một cơ sở làm giàu urani của Iran
Khi chiến lược “bắt nạn” Iran trở nên không phù hợp
Rõ ràng trong suốt hơn 1 năm qua, Mỹ liên tục gây sức ép bằng các lệnh trừng phạt nhưng Iran cũng không dễ dàng ngồi yên để Mỹ xoay chuyển theo ý họ. Thêm vào đó, Iran đang cho thế giới thấy rằng họ vẫn đủ khả năng chống đỡ các lệnh trừng phạt, giữ ổn định xã hội, mục tiêu mà các thế lực bên ngoài luôn hướng tới. Chính sách “bắt nạn” của Mỹ với Iran đang cho thấy không còn phù hợp với một Iran ở thời kỳ hiện tại.
Khi sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông ngày càng mờ nhạt, thì các nước khu vực hiểu rằng việc hợp tác với nhau, đặc biệt với quốc gia sở hữu hạt nhân như Iran sẽ đảm bảo an ninh khu vực, giải quyết các cuộc khủng hoảng. Đơn cử là những hợp tác gần đây giữa Iran với Saudi Arabia, hay Bahrain cho thấy điều đó.
Trong khi đó, các nước phương Tây lo ngại việc Iran tiếp tục thu hẹp phạm vi tuân thủ thỏa thuận hạt nhân là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ý định của Tehran rời bỏ thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá, đây là một “sự thay đổi sâu sắc”, lần đầu tiên Iran đã quyết định rút khỏi JCPOA “một cách dứt khoát và thẳng thừng”.
Công bằng mà nói, mặc dù chịu nhiều sức ép từ bên ngoài nhưng Iran “không thay đổi giọng điệu”, họ phản ứng ngày càng quyết liệt bằng những hành động có thể chối bỏ hoặc khó quy kết trách nhiệm bởi những điều khoản giảm tuân thủ thỏa thuận này cũng xuất hiện trong thỏa thuận năm 2015.
Nếu JCPOA bị phá hủy, hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng. Liệu việc Iran phá vỡ một số điều kiện của JCPOA có khiến thỏa thuận này bị vô hiệu hoá hay không? Và cách gì để tháo gỡ mỗi hiềm khích giữa Mỹ và Iran khi mong muốn của đôi bên đang đi ngược chiều nhau? Nếu các bên không nhượng bộ hoặc kiềm chế hành động của mình, nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang, đối đầu trực tiếp sẽ gây hậu quả nặng nề với cả khu vực.