Một quan chức cấp cao của Iran nhấn mạnh: "Bất kỳ quốc gia vùng Vịnh nào cho phép sử dụng không phận hay căn cứ quân sự để chống lại Tehran sẽ bị coi là đối thủ và Iran sẽ đáp trả mạnh mẽ. Mọi sự hỗ trợ cho Israel đều là không thể chấp nhận".
Cảnh báo trên được đưa ra trong chuyến thăm của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đến Qatar ngày 3/10 Nhà ngoại giao hàng đầu Iran Abbas Araghchi sẽ thảo luận về vấn đề này tại Saudi Arabia vào cuối ngày 9/10 (giờ địa phương).
Iran khẳng định mục tiêu của họ là xây dựng sự đoàn kết khu vực để đối phó với Israel, đồng thời duy trì ổn định cho vùng Vịnh. Iran không có ý định thảo luận về việc tăng sản lượng dầu của các quốc gia vùng Vịnh, trong trường hợp sản lượng dầu của họ bị ảnh hưởng do căng thẳng leo thang.
Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết, Iran đang theo dõi chặt chẽ phản ứng của các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là về việc sử dụng căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực nếu Israel tiến hành hành động quân sự. Nhiều nước trong khu vực như Qatar, Kuwait, Bahrain, UAE và Saudi Arabia đều có căn cứ quân sự hoặc quân đội Mỹ đồn trú.
Vụ việc căng thẳng bắt đầu từ ngày 1/10, khi Iran phóng một loạt tên lửa vào Israel để trả đũa vụ giết hại các lãnh đạo của Hamas, Hezbollah và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC). Iran tuyên bố 90% tên lửa đã bắn trúng mục tiêu, trong khi Israel nói đã chặn được phần lớn trong số khoảng 180 tên lửa.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo Iran đã phạm "sai lầm lớn" và sẽ phải trả giá. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đang lên kế hoạch trả đũa mạnh mẽ.
Theo tờ New York Times, đợt phản công đầu tiên của Israel có thể tập trung vào các căn cứ quân sự và cơ sở tình báo của Iran, nhưng có thể tránh tấn công các cơ sở hạt nhân trừ khi căng thẳng leo thang. Israel cũng đang cân nhắc tấn công vào tài sản dầu mỏ của Iran, điều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế nước này và đẩy giá dầu toàn cầu tăng cao.