Hệ thống S-400 được triển khai bao gồm radar phát hiện 91N6E, radar điều khiển hỏa lực 92N6E, trung tâm chỉ huy điều khiển và nhiều bệ phóng tên lửa di động.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf do Nga sản xuất, được thiết kế để phát hiện, theo dõi và đánh chặn máy bay, máy bay không người lái, tên lửa hành trình cùng các mối đe dọa đạn đạo ở tầm bắn lên đến 400 km và độ cao lên đến 30 km. (Nguồn: Russian Forum narod.ru)
Tuy nhiên, điều khiến giới quan sát băn khoăn là liệu Iran đang thực sự cân nhắc mua S-400, hay đây chỉ là một hoạt động quảng bá công nghệ do chính Nga thực hiện? Từ trước đến nay, Tehran vẫn khẳng định không cần đến S-400, vì họ đã có hệ thống phòng không nội địa Bavar-373, được cho là có khả năng tương đương.
Nhưng thực tế, năng lực công nghệ hạn chế và kinh nghiệm phát triển ít ỏi của Iran trong lĩnh vực này khiến nhiều chuyên gia hoài nghi về tuyên bố đó.
Đáng chú ý, các nguồn tin từ phía Iran từng tuyên bố rằng hệ thống Bavar-373 đã bắn hạ tới 3 trong số 4 chiến đấu cơ tàng hình F-35I của Israel trong các cuộc không kích hồi tháng 6. Dù vậy, nếu Bavar-373 thực sự hiệu quả đến vậy, thì lý do gì khiến Tehran quan tâm đến S-400? Có thể vì hệ thống nội địa chưa sản xuất đủ nhanh, hoặc Iran muốn bổ sung thêm phương án dự phòng trong bối cảnh các mối đe dọa từ Israel và Mỹ ngày càng gia tăng.
Giới phân tích cho rằng, nếu Iran quyết định mua S-400 trong giai đoạn khẩn cấp vừa qua, thì nhiều khả năng hệ thống đang thử nghiệm hiện nay do chính người Nga vận hành. Thời gian quá ngắn không cho phép Tehran huấn luyện kịp nhân sự vận hành. Dẫu vậy, việc Iran đã khai thác hệ thống S-300PMU-2 – "đàn anh" của S-400, từ năm 2016 sẽ giúp quá trình chuyển giao công nghệ nhanh chóng hơn nếu cần thiết.
Trong bối cảnh mạng lưới phòng không của Iran bị chỉ trích, vì không ngăn chặn hiệu quả các cuộc không kích kéo dài từ ngày 13–24/6, câu hỏi lớn đặt ra là Iran sẽ đi theo hướng nào để củng cố năng lực phòng thủ.
Đầu tháng 7, có thông tin Trung Quốc đã cung cấp cho Tehran một hệ thống phòng không tầm xa, nhiều khả năng là HQ-9B, vốn được đánh giá có tính năng tương đương S-400.
Thế nhưng, vẫn còn nhiều nghi vấn. Nga hiện đang đối mặt với áp lực lớn về nhu cầu sử dụng S-400 trong chiến sự với Ukraine và căng thẳng với NATO, khiến nhiều đợt bàn giao cho các đối tác như Ấn Độ bị trì hoãn. Việc họ chuyển hệ thống sang Iran trong bối cảnh này là điều không dễ dàng. Trong khi đó, HQ-9B của Trung Quốc lại được tiếp thị rộng rãi hơn và sẵn sàng xuất khẩu, khiến thông tin về S-400 có thể chỉ là một phần trong chiến dịch "thử trước – mua sau".
Ngay cả khi Iran thực sự nhận cả hai hệ thống này, họ vẫn phải đối mặt với một lỗ hổng lớn: thiếu máy bay chiến đấu hiện đại và hệ thống cảnh báo sớm trên không (AEW&C). Đây là yếu tố then chốt để phát huy tối đa sức mạnh phòng không.
Trong khi Israel đang mở rộng phi đội F-35I và chuẩn bị tiếp nhận F-15EX – một trong những loại tiêm kích tấn công mạnh, thì Iran vẫn loay hoay với các đơn hàng chưa đến như Su-35 từ Nga hay J-10C, J-16 từ Trung Quốc. Ngay cả khi các hợp đồng này được thực hiện, Iran cũng cần vài năm huấn luyện mới đưa chúng vào biên chế.