Ngày 28/3, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và phát biểu chào mừng. Chủ tịch nước cho rằng Việt Nam rất vinh dự lần đầu tiên sau 36 năm gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) được tín nhiệm đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132 tại Hà Nội.
Đây không chỉ là hoạt động đối ngoại đa phương rất có ý nghĩa được tổ chức tại Việt Nam, mà còn là một trong những sự kiện lớn của năm 2015.
“Suốt chặng đường lịch sử gần 130 năm qua, IPU đã trở thành diễn đàn nghị viện đa phương quan trọng nhất trên thế giới , có những đóng góp tích cực và to lớn cho hòa bình, hợp tác, phát triển, dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội và các quyền con người”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Tình hình thể giới đang chuyển biến rất nhanh, sâu sắc và khó lường. Các nước vẫn còn nhiều quan ngại về tình trạng bất ổn, xung đột tôn giáo, sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, biển đảo; chạy đua vũ trang; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước; các hành động chính trị cường quyền, bất chấp luật pháp quốc tế... đang có chiều hướng gia tăng. Một trong những ưu tiên của chương trình nghị sự Đại hội đồng IPU lần này là “biến lời nói thành hành động" để luật pháp và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được tôn trọng; các thỏa thuận, các quy tắc ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia được thực hiện nghiêm túc; các tranh chấp, bất đồng được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, và các dân tộc đều có quyền bình đẳng. “Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp, các bất đồng giữa các quốc gia, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các thỏa thuận giữa các nước trong khu vực, phản đối sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Trên tinh thần chủ đề của Đại hội đồng IPU 132, Chủ tịch nước tin tưởng rằng, Hội nghị lần này là Hội nghị của hành động để biến các ý tưởng, những đề xuất thành những kết quả cụ thể và thiết thực, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của lập pháp, của nghị viện trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc có tính toàn cầu.
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury bày tỏ sự cảm kích về công tác chuẩn bị, đón tiếp, tổ chức các hoạt động chu đáo “vượt qua cả kỳ vọng” của nước chủ nhà Việt Nam. Ông Saber Chowdhury chia sẻ IPU hiện đã trở thành tổ chức với 166 nghị viện thành viên 14.500 nghị sĩ, đại diện cho 6,5 tỷ người dân trên toàn thế giới. Dịp Đại hội lần này, 90 triệu người dân Việt Nam đã kết nối với 6,5 tỷ người dân khác toàn thế giới. Không những thế, Việt Nam còn đề ra nội dung, chủ đề đại hội lần này – biến lời nói thành hành động, vì sự phát triển bền vững.
Nhấn mạnh quan điểm, mỗi quốc gia không thể tiếp tục chỉ chạy theo mục tiêu tăng trưởng GPD mà phải hướng đến sự hạnh phúc, cuộc sống của người dân nên các vấn đề đặt ra, từ an ninh, an toàn hay nhân quyền đều hết sức quan trọng, Chủ tịch IPU bày tỏ nguyện vọng: “Chúng ta muốn nhớ tới Đại hội đồng lần này không chỉ vì sự mến khách, sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà và toà nhà đẹp này mà cả kết quả của chương trình nghị sự để có thể nói chúng ta đã có cơ hội ngồi lại cũng nhau và tận dụng được cơ hội vì sự phát triển tốt đẹp của nhân loại. Những gì trong quá trình chúng ta làm và triển khai mới là quan trọng”.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tại kỳ họp của Đại hội đồng lần này, các nghị sĩ có trách nhiệm trao đổi kỹ về những vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để thực sự “biến những lời nói thành hành động”. Bên cạnh đó, Đại hội đồng sẽ dành thời gian thảo luận nhiều chủ đề quan trọng về vai trò của nghị viện trong các vấn đề an ninh mạng, hình thành cơ chế mới về quản trị nước, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, quyền con người, bình đẳng giới, các vấn đề của Liên hợp quốc, nhân quyền của nghị sỹ; chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, phòng, chống HIV/AIDS … “Đại hội đồng diễn ra vào đúng kỷ niệm 70 thành lập Liên hợp quốc, 30 năm thành lập Hội nghị các nữ nghị sỹ, 25 năm thực hiện Công ước về quyền trẻ em và 20 năm Tuyên bố về Chương trình hành động Bắc Kinh… Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta trao đổi sâu hơn về vai trò của Quốc hội và Nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện những lĩnh vực quan trọng này”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.