Hà Nội

IPU-132: Hướng tới Tuyên bố Hà Nội về phát triển bền vững

30-03-2015 09:06 | Thời sự
google news

Ngày 29/3, Phiên toàn thể thứ nhất của Đại hội đồng IPU đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Chủ tịch Quốc Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để thực sự “biến những lời nói thành hành động”, thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong 15 năm tới.

Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng IP-132. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng IP-132. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Hòa bình, an ninh: Điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững

Phát biểu tại hội nghị, bà Tòng Thị Phóng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã điểm lại một số thành tựu trong việc thực hiện 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì nhiều mục tiêu của MDGs vẫn chưa hoàn thành, chưa giải quyết được tận gốc tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng. Điều này đòi hỏi sự tiếp tục nỗ lực, sự hợp tác của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và từng cá nhân trên phạm vi toàn cầu để phát triển thực sự bền vững.

Bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Những nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là nhờ những cam kết mạnh mẽ và sự quyết tâm của Việt Nam, sự hợp tác chặt chẽ, linh hoạt của các đối tác phát triển quốc tế, trong đó có sự cố gắng, nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách, mục tiêu quốc gia, khung pháp lý cơ bản cũng như tăng cường vai trò giám sát tối cao trong thực hiện MDGs”.

Việt Nam hoan nghênh IPU hỗ trợ các Quốc hội thành viên đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc đóng góp, xây dựng và thực thi các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015; kiến nghị IPU cùng với các Quốc hội thành viên và các quốc gia xem xét sự phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột: Tăng trưởng kinh tế, môi trường được bảo vệ và công bằng, tiến bộ xã hội.

Do vậy, Việt Nam tán thành với nội dung cơ bản của 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên Hợp Quốc đang soạn thảo, nhất là các nội dung về xóa đói, giảm nghèo, phát triển tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, quản lý sử dụng tài nguyên, bảo đảm quyền con người, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giải quyết tình trạng bất công, bất bình đẳng xã hội, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của con người, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực…

Vai trò của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cần được nâng cao thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy thực hiện SDGs; quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách quốc gia để thực hiện SDGs; giám sát việc tổ chức thực hiện cũng như tuyên truyền phổ biến cho cử tri về SDGs và chương trình quốc gia thực hiện SDGs, những người không chỉ thụ hưởng mà còn là lực lượng quan trọng thực hiện công việc này.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng và thúc đẩy thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu được xây dựng dựa trên việc xây dựng lòng tin và quyết tâm của các Quốc hội vì mục tiêu phát triển bền vững. Tiếp tục các nỗ lực tăng cường hợp tác hiệu quả và mạnh mẽ giữa IPU và Liên Hợp Quốc, phát huy vai trò của các cơ chế hợp tác liên kết kinh tế khu vực, các thể chế tài chính thương mại quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới… trong quá trình thảo luận, xây dựng và thực hiện SDGs.

Hòa bình và an ninh được coi là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc để đảm bảo việc xây dựng và thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 và các Mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, nỗ lực phấn đấu tăng cường hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa các nguy cơ xung đột tiềm tàng và tìm giải pháp chấm dứt các cuộc xung đột hiện nay là nhiệm vụ lâu dài, cấp bách và trách nhiệm của tất cả các quốc gia. Một trong các biện pháp hữu hiệu góp phần thể hiện trách nhiệm của các nước là tôn trọng luật pháp quốc tế- nền tảng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng IP-132. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỳ của Việt Nam đã được chia sẻ tại phiên họp. Ảnh; VGP/Tuấn Dũng

Hướng tới Tuyên bố Hà Nội về phát triển bền vững

Cố vấn đặc biệt, đại diện Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, bà Amina Mohammed nhấn mạnh, cần đưa 17 Mục tiêu phát triển bền vững chuyển thành hành động cụ thể. Những mục tiêu, chỉ tiêu cần phải được thực hiện bởi sự hợp tác chặt chẽ của thế giới.

Bà Amina cho rằng, Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong huy động nguồn lực để đạt kết quả cao nhất trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Vai trò kiểm soát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; việc huy động sự tham gia của người dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ….

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury bày tỏ mong muốn, với chủ đề phát triển bền vững, qua phiên thảo luận chung, các đại biểu tập trung thảo luận để đóng góp thiết thực vào văn bản quan trọng là đưa ra “Tuyên bố của IPU tại Hà Nội”.

Tại phiên họp, các thành viên cũng thảo luận và quyết định chương trình hoạt động, quyết định nội dung các kỳ họp Hội nghị IPU, trong đó trọng tâm là: biến đổi khí hậu, khủng bố; phòng tránh rủi ro thiên tai và phát triển bền vững.

Phiên họp kéo dài đến hết ngày 29/3.

Theo Tuấn Dũng

 

 

 


Ý kiến của bạn