Tối 28/3, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU - 132) do Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức đã khai mạc tại Nhà Quốc hội. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử - ngoại giao to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng của Quốc hội Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Lễ khai mạc diễn ra trong không khí trang trọng với sự tham dự của đại diện 166 thành viên của Nghị viện IPU, 10 thành viên liên kết, các quan sát viên và các tổ chức quốc tế đại diện cho 700 nghị sĩ trong tổng số 1.600 đại biểu đang có mặt tại Hà Nội tham dự IPU - 132.
Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh, với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, Đại hội đồng IPU năm nay đặt ra cho chúng ta trọng trách to lớn là cùng nhau trao đổi, chia sẻ các ý tưởng và hành động để góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của nhân loại.
Một trong những ưu tiên của chương trình nghị sự Đại hội đồng IPU lần này là “biến lời nói thành hành động" để luật pháp và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được tôn trọng các thỏa thuận, các quy tắc ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia được thực hiện nghiêm túc các tranh chấp, bất đồng được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và các dân tộc đều có quyền bình đẳng.
Chủ tịch nước bày tỏ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của IPU cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nỗ lực hết sức mình cùng nhân dân các nước và cộng đồng quốc tế thúc đẩy xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng. Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp, các bất đồng giữa các quốc gia, trong đó có vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các thỏa thuận giữa các nước trong khu vực, phản đối sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực.
Trong các phiên họp, thảo luận tại IPU - 132, các đại biểu sẽ cùng nhau đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, thảo luận và đề ra những Mục tiêu Phát triển bền vững cho giai đoạn sau 2015. Đại hội đồng cũng sẽ thảo luận, quyết định những nội dung thiết thực về vai trò của Nghị viện trong các lĩnh vực an ninh mạng, quản trị nước, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, quyền con người, bình đẳng giới, các vấn đề của Liên hợp quốc, nhân quyền của các nghị sĩ; chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, HIV/AIDS...
Dấu ấn Việt Nam tại IPU
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về y tế, giáo dục, xã hội và quyền con người, trong đó có nhiều nội dung của “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” đã đạt được rất ấn tượng như: xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục, sử dụng nước sạch, phòng trừ dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS và bình đẳng giới đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Bằng việc tổ chức kỳ Đại hội IPU-132 tại Việt Nam sẽ ghi một dấu ấn quan trọng trong trang sử của IPU. Việt Nam đã lựa chọn một chủ đề quan trọng là chiến lược phát triển hậu 2015 cho hội nghị, đúng vào lúc cả cộng đồng thế giới phải suy nghĩ và triển khai chiến lược này. Việc chuẩn bị những quyết định cho sự phát triển hậu 2015 không chỉ là công việc của các chính phủ mà còn có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan nghị viện vào nghị trình tương lai của thế giới. Do đó, IPU - 132 sẽ là diễn đàn hữu ích để trao đổi chủ đề này.
Dự kiến, Đại hội đồng sẽ thông qua nhiều văn kiện quan trọng là “Tuyên bố của IPU tại Hà Nội", thể hiện các vấn đề lớn được trao đổi và thể hiện những cam kết của IPU và các nghị viện thành viên đối tác. Văn kiện quan trọng này sẽ được trình Ðại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2015 khi các nguyên thủ quốc gia nhóm họp tại New York để thống nhất về vấn đề phát triển bền vững. Tuyên bố Hà Nội với thông điệp về vai trò của Nghị viện đối với thực hiện Chương trình phát triển sau 2015 sẽ là đóng góp thiết thực của cộng đồng quốc tế đối với giai đoạn phát triển mới của thế giới.
Hải Yến - Bích Vân
- IPU là tổ chức gồm 166 nghị viện thành viên với 45.000 nghị sĩ, đại diện cho khoảng 6,5 tỷ người dân trên thế giới.
- Đại hội đồng IPU - 132 và các hội nghị liên quan lần này sẽ diễn ra khoảng 70 phiên thảo luận và 70 cuộc tiếp xúc song phương như: Lễ khai mạc Đại hội đồng IPU - 132; Hội nghị Nữ nghị sĩ và lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị Nữ nghị sĩ; Hội nghị Ủy ban Thường trực Hòa bình và An ninh quốc tế; Hội nghị Ủy ban Thường trực các vấn đề Liên hợp quốc; Hội nghị Ủy ban Thường trực phát triển bền vững, tài chính và thương mại; Hội nghị Ủy ban Thường trực Dân chủ và Nhân quyền; Diễn đàn Nghị sĩ trẻ; các phiên họp của Hội nghị Tổng thư ký Nghị viện thế giới (ASGP)...