Hành trình 1 thế kỷ hình thành và phát triển của insulin - “điều diệu kỳ của y khoa”
Trước năm 1921, việc điều trị cho người bị đái tháo đường chủ yếu tập trung vào chế độ ăn kiêng rất khắt khe và nhịn đói. Hầu hết người đái tháo đường típ 1 tử vong sau 2 năm được chẩn đoán.
Đến năm 1921, các nhà khoa học Canada tại Đại học Toronto đã chiết xuất thành công insulin từ động vật.
Năm 1922, Leonard Thompson, 14 tuổi là bệnh nhân đái tháo đường đầu tiên được điều trị bằng insulin.
Đến năm 1923, insulin đã trở nên phổ biến rộng rãi. Frederick Grant Banting và John James Rickard Macleod được trao giải Nobel Sinh lý học – Y khoa cho việc tìm ra insulin.
Năm 1946, insulin NPH ra đời, đây là loại insulin tác dụng trung bình giúp giảm số lần tiêm trong ngày.
Năm 1976, Hoechst AG sản xuất thành công insulin người tái tổ hợp và thương mại hóa vào năm 1983. Insulin là protein trị liệu đầu tiên được sản xuất bằng công nghệ DNA tái tổ hợp.
Năm 1996, insulin analog đầu tiên được phê duyệt. So với insulin nội sinh của người, phân tử insulin analog được điều chỉnh ở một vài acid amin để thay đổi hấp thu – phân bố - chuyển hóa – thải trừ của insulin theo yêu cầu đa dạng của bác sĩ điều trị.
Năm 2000, insulin nền analog tác dụng kéo dài đầu tiên (insulin glargine), chỉ cần tiêm 1 mũi/ngày.
Năm 2015, các insulin nền analog thế hệ 2 ra đời, với thời gian tác dụng kéo dài hơn và nguy cơ hạ đường huyết thấp hơn.
Năm 2017, FDA phê duyệt bút tiêm insulin thông minh. Bút có thể lưu trữ thông tin về liều lượng insulin được dùng, thời gian tiêm,… và chuyển dữ liệu đến ứng dụng di động qua Bluetooth.
Từ 2010 đến nay, nhờ vào sự phát triển công nghệ và sự ra đời của các thuốc mới đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường.
Insulin và hành trình thay đổi cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường tại nước ta
Đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu và tập trung vào nhóm dân số ở độ tuổi lao động tại các nước đang phát triển, trở thành gánh nặng cho xã hội. Theo công bố Atlas ấn bản lần thứ 9 của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), ước tính trên thế giới có 463 triệu người trưởng thành trong độ tuổi 20-79 hiện đang chung sống với bệnh đái tháo đường, tỷ lệ này tại nước ta là hơn 3,7 triệu người.
Tại hội thảo khoa học “Khởi đầu thập kỷ mới với liệu pháp insulin nền” đã được Tổng hội Y học Việt Nam (VMA) và Liên chi Hội Đái tháo đường & Nội tiết TP. Hồ Chí Minh (HADE) phối hợp tổ chức với công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam (Sanofi) vừa qua, PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê – Chủ tịch Liên chi Hội Đái tháo đường & Nội tiết TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Insulin ra đời và phát triển trong một thế kỷ qua đã giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người bệnh đái tháo đường típ 1 và típ 2. Trước năm 1921, người bị đái tháo đường típ 1 thường bị suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, nhiễm toan ceton,... và chỉ sống được tối đa 2 năm. Trong vòng nửa thế kỷ gần đây, bệnh đái tháo đường típ 2 cũng đã trở thành đại dịch trên toàn cầu.
Việc điều trị bệnh đái tháo đường với insulin đã có nhiều cải tiến đáng kể bao gồm sự thay đổi từ insulin chiết xuất từ động vật với nhiều tạp chất, nồng độ thấp cho đến insulin giống của người cực kỳ tinh khiết; từ dụng cụ bơm tiêm phức tạp cho đến bút insulin tiện lợi và hiện nay là dụng cụ bơm isulin tiên tiến cảm biến đường huyết,…”
Chia sẻ về tầm quan trọng của insulin nền trong các hướng dẫn điều trị quốc tế (ADA 2021 và AACE/ACE 2021), GS.BS. Vivian A. Fonseca, Giáo sư Y khoa kiêm Trưởng phân môn Nội tiết, Trung tâm Y khoa Đại học Tulane, Hoa Kỳ, Chủ tịch Y khoa & Khoa học – Hiệp Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ 2012 cho biết: “Insulin nền đóng vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị đái tháo đường típ 2. Nhờ sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, sau nhiều lần cải tiến, việc sử dụng insulin nền trở nên tiện lợi & an toàn với khởi đầu dễ dàng, dễ điều chỉnh liều, ít hạ đường huyết và ít tăng cân hơn so với trước đây. Do đó, các bác sĩ có thể xem xét insulin nền cho bệnh nhân để mang đến điều trị hiệu quả, tránh được tác dụng phụ”.
Hội thảo “Khởi đầu thập kỷ mới với liệu pháp insulin nền” đã thu hút sự tham gia của gần 800 bác sĩ chuyên khoa nội tiết, nội khoa và đa khoa… trên khắp cả nước. Đặc biệt, hơn 500 chuyên gia y tế đến từ Indonesia cũng tham dự hội thảo thông qua nền tảng trực tuyến.
PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê nhận định: “Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 100 năm insulin này là một dịp quan trọng cung cấp thông tin cập nhật cho các chuyên gia y tế trong và ngoài nước về việc cân bằng điều trị đái tháo đường típ 2 bằng insulin nền nhằm đạt hiệu quả cao và giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết”.
Hội thảo vừa qua là một trong chuỗi hoạt động đồng hành của Sanofi Việt Nam cùng các Hiệp hội Y học nhằm mang lại những thông tin cập nhật cho cộng đồng y khoa, giúp nâng cao và tối ưu hóa điều trị bệnh đái tháo đường trong hơn 60 năm có mặt tại Việt Nam.
Có thể kể đến như dự án iSTEP-D từ năm 2014 - 2018 thu hút hơn 2.000 bác sĩ đến từ 270 bệnh viện trên toàn quốc tham gia vào các khóa đào tạo quốc tế chuyên sâu về bệnh đái tháo đường cũng như hỗ trợ các bệnh viện lớn trên cả nước xây dựng các phác đồ điều trị nội trú và củng cố chất lượng điều trị ngoại trú. Dự án iSTEP-D Plus (đào tạo tại chỗ) và iSTEP-D Plus Online (đào tạo trực tuyến) từ 2019-2021 hợp tác với Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam (VADE) cùng 6 trung tâm đào tạo hàng đầu tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đào tạo cho các cán bộ y tế. Đồng thời, chương trình hỗ trợ bệnh nhân iCARE cũng đã được triển khai tại các bệnh viện trong năm 2019-2020 nhằm cung cấp cho bệnh nhân những kiến thức cần thiết về bệnh đái tháo đường cũng như việc sử dụng insulin đúng cách, giúp bệnh nhân chủ động quản lý bệnh và nâng cao hiệu quả điều trị.
“Đái tháo đường đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân tại Việt Nam và đặt một gánh nặng không nhỏ lên hệ thống y tế. Trong gần một thế kỷ qua, Sanofi đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chất lượng cao, mang đến các giải pháp điều trị tiên tiến và hiệu quả cho bệnh nhân đái tháo đường, đồng thời đồng hành cùng các chuyên gia y tế trong việc tối ưu hóa điều trị bệnh, và đó tiếp tục là mục tiêu lâu dài của Sanofi trong thời gian tới”. Ông Emin Turan – Tổng Giám đốc Sanofi Đông Dương, Giám đốc điều hành Nhóm thuốc tổng quát tại Việt Nam chia sẻ dưới góc độ của đơn vị tổ chức nhiều năm nghiên cứu và phát triển insulin.