Trong Đông y, nụ hoa gọi là đinh hương, quả già phơi khô gọi là đinh hương tử (mẫu đinh hương). Ở nước ta có di thực được đinh hương, nhưng chưa được trồng phổ biến. Nó được dùng làm hương liệu gia vị trong sản xuất bánh kẹo sữa, các đồ uống giải khát, chế thuốc tê, thuốc diệt tủy răng trong y khoa.
Đinh hương chứa các tinh dầu: (Eugenol, acetyleugenol, eugenyl acetat, caryophyllenes…); các sequiterpenoids, hợp chất chromones: eugenin và eugenitin và eugenon... Có tác dụng trợ tiêu hóa, sát trùng, kháng khuẩn. Theo Đông y, đinh hương vị cay, tính ôn; vào các kinh: phế, tỳ, vị và thận. Tác dụng ôn trung giáng nghịch, ôn thận trợ dương. Trị nấc, nôn, nôn ra thức ăn thoát vị, đau quặn bụng do lạnh. Ngày dùng 2 - 6g; bằng cách nấu, pha hãm, ngâm.
Một số bài thuốc có đinh hương
Ấm bụng giảm đau. Trị đau bụng do lạnh
Bài 1: diên hồ sách 12g, ngũ linh chi 8g, đương quy 12g, quất hồng 8g, đinh hương 6g. Các vị nghiền thành bột. Mỗi lần dùng 4g - 8 g, ngày uống 2 -3 lần, uống với nước. Trị đau loét dạ dày - tá tràng. Lưu ý người xuất huyết tương đối nặng thì không nên dùng.
Bài 2: đinh hương 63g, long cốt 1.000g, mẫu lệ 1.000g, bột talcum 250g. Nghiền thành bột mịn, chia thành gói 8g. Ngày uống 2- 3 lần, mỗi lần 4g, uống với nước. Trị loét dạ dày - tá tràng tăng axit.
Vị thuốc đinh hương.
Ấm dạ cầm nôn
Bài 1: đinh hương 4g, tai hồng 12g, đảng sâm 12g, gừng sống 12g. Sắc nước uống. Trị các chứng nôn do dạ dày hàn, trẻ em trớ sữa do lạnh.
Bài 2: đinh hương 4g, sa nhân 6g, bạch truật 12g. Các vị nghiền bột. Mỗi lần uống 2g đến 4g, ngày 2 - 3 lần, uống với nước. Trị tỳ vị hư hàn, thổ tả, kém ăn.
Một số món ăn thuốc có đinh hương
Vịt ướp đinh hương: Vịt 1 con, bột đinh hương 2g, rượu, tương, xì dầu hoặc nước mắm, muối, đường, bột tiêu, hành vừa đủ. Vịt làm sạch, ướp gia vị, để trong 2 giờ. Hầm chín vịt và chiên lại bằng dầu lạc rồi chặt miếng, xếp xen với cải bắp 200g, cà chua 100g đã được rửa sạch, thái lát và cho nước dầu vừng, dấm, đường rưới lên. Dùng cho bệnh nhân ăn kém, suy nhược cơ thể.
Nhục quế đinh hương tán: đinh hương 15g, nhục quế 30g. Hai thứ tán mịn, chia làm 10 lần, uống với nước nóng pha chút rượu, trước bữa ăn. Dùng cho người bệnh đau quặn bụng âm ỉ, dai dẳng liên quan đến các chứng hàn thấp, tỳ vị hư hàn.
Chè gừng tươi đinh hương: gạo vo sạch nấu thành hồ nước, thêm bột đinh hương 5g, gừng tươi đập dập 30g, đường trắng 250g, ít dầu vừng hoặc dầu lạc khuấy đều, đổ ra khay để nguội đông thái lát. Thích hợp cho người bị nấc, nôn đau quặn bụng, ăn nhiều lần trong ngày .
Nước giấm nóng đinh hương: nụ đinh hương 2 cái, dấm ăn 50ml. Cho vào bát, đun cách thủy 10 phút, cho uống nóng. Dùng trong các trường hợp đau quặn bụng do lạnh.
Vịt tiềm đinh hương nhục quế thảo khấu: vịt 1 con, đinh hương 5g, nhục quế 5g, thảo đậu khấu 5g. Vịt làm sạch; dược liệu nấu riêng trong 20 phút, lọc lấy 3 lít nước. Lấy nước nấu dược liệu, hành tươi, gừng tươi để hầm vịt, đun nhỏ lửa cho chín nhừ và cạn nước. Sau đó thái miếng vừa ăn. Dùng cho các trường hợp tỳ vị hư nhược, kinh nguyệt không đều, đau, vùng bụng do lạnh, đầy bụng nôn, nôn thổ ra thức ăn do trúng hàn; đau nhức cơ xương khớp, viêm khí phế quản, phù nề.
Kiêng kỵ: Người nôn mửa do nhiệt và đang viêm nhiễm, sốt kiêng dùng. Đinh hương kỵ uất kim.