INF có nguy cơ sụp đổ, châm ngòi cho các cuộc chạy đua vũ trang

07-12-2018 08:13 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nga và Mỹ một lần nữa làm nóng vũ đài chính trị thế giới khi đối đầu nhau trong cuộc chiến ngoại giao về Hiệp ước cắt giảm các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Cơn ác mộng rút khỏi INF

INF là một hiệp ước giữa Nga và Mỹ ký năm 1987, nhằm hạn chế các nước phát triển, thử nghiệm tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Hiệp ước này là nỗ lực của các bên nhằm kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh trong quá khứ, giúp xóa tan nỗi lo hạt nhân, nhưng đến nay bỗng bị “đào xới” trở lại trong bối cảnh các quốc gia cả trong và ngoài hiệp ước đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm. Điều nguy hiểm là nếu INF bị phá vỡ, sẽ không còn một rào cản nào về mặt pháp lý ngăn cản các nước chạy đua vũ trang.

Không ít lần Mỹ có những quyết định khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ, lần này Mỹ cũng tuyên bố rút khỏi INF để xây dựng kho vũ khí hạt nhân riêng.  Tổng thống Mỹ D.Trump cho rằng đây là hành động trả đũa cho việc Nga chế tạo tên lửa bị cấm trong hiệp ước vi phạm hiệp ước INF. Về phần mình Nga cũng tố ngược Mỹ rằng Washington đã xây dựng các căn cứ quân sự ở Đông Âu, có khả năng tấn công Nga.

INF có nguy cơ sụp đổ, châm ngòi cho các cuộc chạy đua vũ trangNga - Mỹ đối đầu căng thẳng về Hiệp ước hạt nhân INF

Mới đây, trong một tuyên bố cứng rắn, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ trưởng Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ dừng thực hiện các nghĩa vụ trong INF trong vòng 60 ngày nếu Nga không quay lại tuân thủ hiệp ước, đồng thời Mỹ sẽ khởi động tiến trình rút khỏi INF trong vòng 6 tháng.  Mỹ cho rằng sẽ không có lý nếu Mỹ vẫn tuân thủ thỏa thuận mà nhờ thế hạn chế năng lực của  mình nhằm đáp trả những vi phạm của Nga.

Trong vài năm trở lại đây, Mỹ đã bày tỏ quan ngại về  hệ thống tên lửa 9M729 của Nga và  yêu cầu nước này ngừng triển khai xây dựng bởi nó  vi phạm INF. Mỹ cho biết, nếu không muốn thỏa thuận này hoàn toàn bị xé bỏ, Nga cần tuân thủ INF. Theo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tên lửa hành trình này của Nga có khả năng tấn công các thành phố ở châu Âu, khiến cán cân an ninh khu vực thay đổi. Nhiều nước châu Âu lo ngại, với những cuộc đấu đầu ngoại giao giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, sớm muộn gì châu Âu cũng trở thành một “sân chơi” cho các cường quốc chạy đua vũ trang, đe dọa an ninh châu Âu.

Phớt lờ cảnh báo, Nga Mỹ gia tăng năng lực hạt nhân

Nga cho rằng, những cáo buộc của Mỹ với nước này là vô căn cứ, và Nga không vi phạm các điều khoản của luật pháp quốc tế về giải trừ  quân bị. Người phát ngôn Điện Kremlin D.Peskov khẳng định, NGa phát triển vũ khí mới không phá vỡ sự cân bằng hạt nhân, Nga không phát triển các loại vũ khí có khả năng vô hiệu hóa lực lượng chiến lược của nước khác như việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng vô hiệu hóa lực lượng chiến lược của Nga, như vậy mới vi phạm hiệp ước INF.

Tổng thống Putin đã cảnh báo kế hoạch của Washington rút khỏi Hiệp ước INF "gây ra nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang không thể kiểm soát" và nếu Mỹ rút khỏi INF,  Nga sẽ có các biện pháp trả đũa. Hồi đầu năm nay, Tổng thống Mỹ đã thông qua chi tiêu ngân sách quốc phòng lên tới 716 tỷ USD nhằm tăng cường tiềm lực, phát triển vũ khí.  Nga cho rằng, một khi Mỹ vẫn củng cố lá chắn tên lửa toàn cầu thì Nga cũng có cách riêng của mình, họ tăng cường tiềm lực của các lực lượng hạt nhân như phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat, tàu ngầm chiến lược, hệ thống tên lửa siêu âm Yars…. thậm chí cả hệ thống cảnh báo sớm tên lửa cũng đang được Nga triển khai trên mặt đất và trong không gian.

Theo Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov cho biết , trong khi Mỹ có khả năng tăng số đầu đạn hạt nhân thêm 1200 đơn bị trong thời gian ngắn, phát triển các lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển thông qua việc xây dựng các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, hiện đại hóa máy bay ném bom chiến lược TU160, Tu-95Ms. … thì Nga cũng trang bị những thế hệ máy bay, tàu ngầm này với những động cơ mạnh mẽ, hiện đại hơn với pham vi vũ khí rộng hơn.

Dù Mỹ chưa chính thức rút khỏi INF, nhưng Nga, Mỹ đều đang chuẩn bị những “kịch bản” của một cuộc đua vũ trang mới, trong đó không chỉ có 2 cường quốc Nga Mỹ , mà còn kéo theo nhiều quốc gia khác.


Hải Yến (theo CNBC, TASS, reuters)
Ý kiến của bạn