Indonesia đang trải qua làn sóng dịch tồi tệ nhất với hơn 2,5 triệu người nhiễm bệnh, hơn 66.000 người tử vong. Ngày càng có nhiều lo ngại về đại dịch ảnh hưởng tới phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Sản phụ khoa Indonesia (POGI), hơn 500 phụ nữ mang thai đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Indonesia kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong đó 4,5% người cần được điều trị tại cơ sở chăm sóc đặc biệt, khoảng 3% sản phụ đã tử vong vì COVID-19.
Nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh chịu ảnh hưởng sức khỏe bởi dịch COVID-19
TS Wahyudi Gani, bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Stella Maris ở thành phố Medan, Bắc Sumatra, cho biết vẫn còn nhiều điều chưa biết xung quanh việc COVID-19 ảnh hưởng đến bà mẹ và trẻ sơ sinh như thế nào. Tuy nhiên căn bệnh này không nguy hiểm hơn đối với bà mẹ mang thai, nhưng ảnh hưởng của nó đối với thai nhi, cả ngắn hạn và dài hạn vẫn chưa được hiểu rõ.
Khuyến cáo hiện nay của POGI là vắc xin phòng COVID-19 an toàn cho phụ nữ mang thai trên 12 tuần, nhưng chính phủ vẫn chưa tiêm vắc xin đại trà cho phụ nữ mang thai.
Hơn 600 trẻ em Indonesia đã tử vong vì COVID-19
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Nhi khoa Indonesia (IDAI), bệnh nhiễm trùng ở trẻ em trên khắp Indonesia đang tăng với tỷ lệ cao hơn so với người lớn, nguyên nhân được cho là do trong những tháng gần đây, số trẻ em được xét nghiệm nhiều hơn.
IDAI cũng cho biết, các trường hợp dương tính với COVID-19 ở trẻ em từ 0-18 tuổi đã tăng lên 12,6% tính đến ngày 28/6, tỷ lệ tử vong ở trẻ em là 0,6% (ở trẻ từ 1 đến 5 tuổi và 0,6% ở trẻ từ 6 đến 18 tuổi).
Nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đã qua đời vì COVID-19
Các trường hợp nhiễm COVID-19 ở thanh thiếu niên và trẻ em dưới 18 tuổi đang tiếp tục tăng lên hàng tuần.
Từ ngày 28/6 đến ngày 4/7, có hơn 11.000 trẻ em dưới 18 tuổi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 so với hơn 7.000 trẻ của tuần trước đó theo số liệu của IDAI.
“Số lượng bệnh nhi điều trị ngoại trú tại cơ sở điều trị COVID-19 đã tăng gấp đôi trong những tuần gần đây và chúng tôi đang chứng kiến những bệnh nhi có các triệu chứng nghiêm trọng hơn trước ”, bác sĩ nhi khoa Cynthia Centauri tại Bệnh viện Đại học Indonesia (RSUI) ở Depok, ngoại ô Jakarta cho biết.
BS Cynthia cho biết thêm rằng các triệu chứng nhiễm COVID-19 ở trẻ em có vẻ khác với người lớn. Trẻ em khi bị nhiễm COVID-19 không chỉ biểu hiện trên đường hô hấp như ho, sổ mũi, khó thở mà còn có những dấu hiệu về đường tiêu hóa như nôn hoặc tiêu chảy, phát ban trên cơ thể.
Cho đến nay, trong số hơn 2,5 triệu trường hợp được báo cáo ở Indonesia, hơn 200.000 trường hợp liên quan đến người dưới 18 tuổi, 30% trong số đó liên quan đến trẻ sơ sinh được sinh ra trong đại dịch. Hơn 600 trẻ em trên khắp Indonesia đã chết vì COVID-19.