SKĐS - Indonesia đang tăng tốc phát triển ngành công nghiệp quân sự nội địa nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào vũ khí nhập khẩu.
Ngành công nghiệp quân sự Indonesia gần như sụp đổ vào cuối thập niên 1990, khi nền kinh tế lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, dẫn đến việc cắt giảm mạnh ngân sách và nhân lực trong các hãng sản xuất thiết bị quân sự. Sự hồi sinh của ngành công nghiệp quân sự ở quốc gia vạn đảo chỉ được ghi nhận kể từ khi ông Susilo Bambang Yudhoyono trở thành tổng thống năm 2004. Tuy nhiên, cú hích quan trọng nhất chính là một sắc luật được ông Yudhoyono ban hành năm 2012. Theo đó, quân đội Indonesia phải mua tất cả vũ khí từ các nhà sản xuất trong nước, trừ một số ngoại lệ. Tổng thống Yudhoyono cũng cam kết hiện đại hóa quân đội Indonesia và tăng gần 4 lần ngân sách dành cho mua sắm vũ khí, lên hơn 8 tỉ USD kể từ khi lên cầm quyền.
Tàu khu trục nội địa
Theo hãng thông tấn Antara của Indonesia, vào ngày 16.4, Công ty đóng tàu quốc doanh PT PAL Indonesia đã khởi công dự án đóng tàu hộ tống lớp Sigma theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng tại thành phố cảng Surabaya thuộc tỉnh Đông Java. Việc đóng tàu PKR 10514 được thực hiện với công nghệ do Tập đoàn Damen Schelde Naval Shipbuilding (DSNS) của Hà Lan chuyển giao theo một hợp đồng đã ký trước đó và chịu sự giám sát của các chuyên gia Hà Lan.
Tàu PKR 10514 có chiều dài 105 m và rộng 14 m, được trang bị các tên lửa đối hạm và đối không, ngư lôi chống ngầm và một bãi đỗ trực thăng. Theo Tham mưu trưởng hải quân Indonesia - đô đốc Marsetio, tàu PKR 10514 sẽ được gắn những thiết bị phục vụ chiến tranh điện tử. Đây sẽ là tàu chiến lớn nhất được đóng trong nước. Theo hợp đồng trị giá 220 triệu USD được ký giữa Bộ Quốc phòng Indonesia và DSNS, sẽ có 2 chiếc PKR 10514 được đóng tại nhà máy đóng tàu của PT PAL Indonesia.
Dự án được chia thành 6 mô đun, trong đó 4 mô đun được chế tạo tại Indonesia và 2 mô đun còn lại được sản xuất tại Hà Lan và sẽ được DSNS vận chuyển đến lắp ráp hoàn chỉnh tại nhà máy của PT Pal Indonesia. Dự kiến tàu sẽ được bàn giao cho hải quân Indonesia vào cuối năm 2016.
7 loại vũ khí chính
Theo báo The Jakarta Post, nhằm tăng cường năng lực của ngành công nghiệp quân sự nội địa, năm nay Indonesia sẽ chú trọng phát triển và sản xuất 7 chủng loại vũ khí chính yếu. Các chủng loại này bao gồm tàu ngầm, chiến đấu cơ, xe tăng cỡ vừa, radar, thiết bị liên lạc… Ông Silmy Karim, thành viên Ủy ban Chính sách công nghiệp quốc phòng Indonesia (KKIP), cho biết các hệ thống này sẽ được phát triển phù hợp với điều kiện địa lý của Indonesia nhằm đạt hiệu quả cao nhất khi được biên chế.
Năm 2011, Indonesia đã ký hợp đồng đóng 3 tàu ngầm trị giá 1,07 tỉ USD với Tập đoàn Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering của Hàn Quốc. Hai chiếc sẽ được đóng tại Hàn Quốc và chiếc thứ ba sẽ được đóng tại các cơ sở của PT PAL Indonesia.
Chiếc tàu ngầm thứ ba sẽ được bắt đầu đóng trong năm tới và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Gần đây, Hàn Quốc đã quyết định tiếp tục dự án chiến đấu cơ KFX/IFX với Indonesia và nguyên mẫu của chiến đấu cơ này dự kiến sẽ được trình làng trong vòng 10 năm tới. Dự án xe tăng cỡ vừa đang được chế tạo trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Công ty PT Pindad của Indonesia với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ FNSS Savunma Sistemleri. Ngoài ra, theo ông Karim, Indonesia còn hợp tác với Trung Quốc chế tạo tên lửa đối hạm C-705.
Cũng theo The Jakarta Post, hiện lục quân Indonesia và Đại học Surya ở thành phố Tangerang thuộc tỉnh Bantan đang hợp tác chế tạo 15 chủng loại khí tài. Tham mưu trưởng lục quân, trung tướng Budiman, đầu tháng 4 cho biết việc hợp tác đã bắt đầu cách đây hơn 6 tháng, bao gồm vệ tinh siêu nhỏ, trực thăng cỡ nhỏ, máy bay không người lái, hệ thống tác chiến bằng tia laser, hệ thống theo dõi GPS...
Theo ông Budiman, bằng cách chế tạo vũ khí trong nước, Indonesia có thể tiết kiệm được ngân sách nhà nước và giúp các ngành công nghiệp liên quan, đặc biệt là công nghiệp quân sự, phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Trùng Quang