Dịch bệnh diễn biến cực kỳ phức tạp?
Indonesia trải qua một trong những đợt bùng phát coronavirus tồi tệ nhất thế giới do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Mỗi ngày quốc đảo này thông báo, hàng chục nghìn người nhiễm bệnh, khoảng 1.000 ca tử vong do bệnh COVID-19. Kỷ lục đạt được ở Indonesia là 56.000 người nhiễm mới và hơn 1400 trường hợp tử vong trong 1 ngày.
Những dữ liệu này đã đưa Indonesia vượt qua Ấn Độ và Brazil để trở thành quốc gia có số ca mắc hàng ngày cao nhất thế giới. Hiện Indonesia đã trở thành tâm dịch của thế giới, có những ngày số ca mắc của Indonesia cao hơn tất cả các quốc gia Đông Nam Á cộng lại.
Nhân viên nghĩa trang phải làm việc ngày đêm bởi số ca tử vong do COVID-19 tại Indonesia tăng quá nhanh
Laura Navika Yamani, một nhà dịch tễ học của Đại học Airlangga của Indonesia, cho biết còn quá sớm để nói đến việc nới lỏng nào, bởi tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở Indonesia vẫn rất cao, lên tới 29%. Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới quy định, nếu tỷ lệ nhiễm bệnh dưới 5% là khu vực đó, dịch bệnh đang được kiểm soát.
Bộ trưởng tư pháp Indonesia Yasonna Laoly cho biết Chính phủ nước này gia hạn các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong đó có cấm lao động nước ngoài nhập cảnh vào Indonesia, ngoại trừ những người có giấy phép lao động, người đang làm công tác ngoại giao hoặc nhân đạo cho đến khi có thông báo mới.
Siêu biến thể mới có thể xuất hiện
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo, với quy mô và tốc độ của đợt bùng phát dịch bệnh như hiện nay ở Indonesia sẽ là môi trường lý tưởng cho ra đời một siêu biến thể mới, thậm chí lây lan và gây chết người nhiều hơn cả biến thể Delta.
Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin của Indonesia rất thấp
Một nhà dịch tễ học người Indonesia chuyên nghiên cứu về các biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Đại học Griffith của Australia, Dicky Budiman cho biết: “Các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hoặc quốc gia không thể kiểm soát được dịch bệnh”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, nếu hơn 5% các xét nghiệm cho kết quả dương tính, thì sự bùng phát của dịch bệnh là không thể kiểm soát. Ở Indonesia, con số này cao hơn 10% trong 16 tháng kể từ khi đại dịch xảy ra. Giờ đây, tỷ lệ này còn lên tới 30%. “Chính vì thế, khả năng một biến thể mới hoặc một siêu biến thể của virus sẽ ra đời ở Indonesia là rất cao ”.
Ông Amin Soebandrio, Giám đốc của Viện Eijkman, một tổ chức chính phủ nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới và mới nổi, cho biết trong khi chưa có biến thể mới nào xuất hiện ở Indonesia, sự cảnh giác là rất quan trọng. “Với số lượng trường hợp mắc bệnh ngày càng tăng, không thể phủ nhận rằng điều này là hoàn toàn có thể xảy ra, cần phải quan sát cẩn thận để xác định các biến thể mới ngay khi chúng xuất hiện”, ông Amin nói.
Ông Ali Mokdad, giáo sư Khoa đo lường Sức khỏe tại Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe ở Seattle, cho biết: “Càng nhiều ca nhiễm trong một cộng đồng, càng có nhiều cơ hội cho một biến thể mới”.
Theo Tiến sĩ Stuart Ray, Phó chủ tịch y khoa về phân tích và đồng bộ dữ liệu tại Đại học Y thuộc Đại học Johns Hopkins, tuần nào giới khoa học cũng ghi nhận các biến thể COVID-19 mới. Đa số, chúng xuất hiện rồi biến mất. Một số còn sót lại, nhưng không quá phổ biến. Có biến thể tăng lên trong cơ cấu lây nhiễm một thời gian, rồi giảm. Chỉ khi một biến thể cho thấy khả năng tạo đột biến về mức độ lây nhiễm, gây tình trạng bệnh nặng phải nhập viện, tử vong hoặc giảm hiệu quả các biện pháp chữa trị thì mới được WHO coi là biến thể đáng quan ngại (VOC).
Indonesia cân nhắc tiếp tục phong tỏa hay nới lỏng phòng dịch
Theo kế hoạch, Indonesia đã kéo dài các biện pháp phòng chống dịch đến ngày 25/7, các nhà chức trách cho biết sẽ tiếp tục thảo luận về việc áp dụng các biện pháp phong tỏa hay nới lỏng dần dần. Bộ trưởng phụ trách ứng phó với COVID-19 của Indonesia Luhut Pandjaitan cho biết, tại nhiều cơ sở y tế của Indonesia, tỷ lệ sử dụng giường bệnh giảm từ hơn 90% xuống còn khoảng 80% ở một số thành phố. Nếu các trường hợp tiếp tục giảm và các chỉ số khác được cải thiện, các hạn chế sẽ được nới lỏng bắt đầu từ tuần tới, ông Luhut Pandjaitan nói trong một cuộc họp báo chung với các thành viên Chính phủ. "Chúng tôi sẽ thận trọng, và cần phải chắc chắn rằng những gì đã đạt được không trở nên tồi tệ hơn," ông Luhut Pandjaitan nói.
Ông Luhut cho biết trước khi dần dần mở cửa trở lại, chính phủ sẽ tăng cường năng lực xét nghiệm, đặc biệt là ở những nơi đông dân cư ở khu vực Greater Jakarta và các khu đô thị lớn khác. Hiện, Indonesia đã tiêm phòng cho khoảng 6% dân số.
Tuy nhiên Tiến sĩ Pane, thành viên của nhóm truy vết của chính phủ cho rằng, đến nay việc tiêm chủng không đủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ngay cả việc truy tìm tiếp xúc, "một biện pháp can thiệp cơ bản được nhiều quốc gia sử dụng để kiểm soát dịch bệnh cũng không còn là ưu tiên của chính phủ", Tiến sĩ Pane nói.
Bà cho biết: “Chúng tôi đã kiểm soát thành công số ca lây nhiễm từ giữa tháng 11 năm ngoái đến cuối tháng 3 năm nay ở 13 tỉnh thành thông qua việc truy vết”. Cách làm này hiện không còn phù hợp với tình hình dịch tại Indonesia. Có thể trong thời gian tới, Indonesia sẽ mở rộng xét nghiệm ở những khu vực thành thị trước khi tiến hành nới lỏng các biện pháp phong tỏa.