Trước tình trạng các ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh, người dân Indonesia đã tích trữ thực phẩm, đồ uống như sữa tiệt trùng, dừa tươi hay gia vị .... Thậm chí, còn có thông tin lan truyền rằng những thực phẩm này hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị COVID-19, dẫn tới nhu cầu và giá cả một số mặt hàng tăng.
Thông tin sai lệch về sữa tiệt trùng, nước dừa tươi có thể ngăn ngừa COVID-19
Một số quan chức y tế Indonesia bày tỏ lo ngại về thông tin giả cũng như nó có thể dẫn đến sự lơ là, chủ quan của người dân trong việc tuân thủ các quy tắc phòng dịch.
TS. Siti Nadia Tarmizi, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Bệnh truyền nhiễm Indonesia cho biết đã có thông tin sai lệch lan truyền trên mạng rằng một số thực phẩm có thể giúp chữa trị COVID-19, ngăn ngừa bệnh hay giảm nhẹ triệu chứng bệnh.
“Không hề có thử nghiệm lâm sàng cho thấy những thực phẩm này hiệu quả trong việc ngăn ngừa chứ đừng nói tới là chữa khỏi COVID-19”, bà nói.
Giá dừa tươi đã tăng cao do thông tin đồn thổi. (Nguồn ảnh: CNA)
Bà Tarmizi cho biết Bộ Y tế Indonesia đã liên tục cảnh báo người dân không tích trữ những thực phẩm này. Tuy nhiên, dường như một số người đã lờ đi cảnh báo từ phía Bộ Y tế Indonesia.
Trong vòng vài tuần qua, ở một số nơi, người dân chen lấn nhau mua tích trữ sữa bò. Hiện tượng này xảy ra là do một vài nhãn sữa bò ở Indonesia đã đưa thông tin chưa được kiểm chứng rằng sữa tiệt trùng có thể thúc đẩy kháng thể giúp ngăn ngừa COVID-19.
Do nhu cầu tăng cao, một vài nhà bán lẻ đã tăng giá sữa lên gấp 5 lần.
Điều tương tự xảy ra với dừa tươi. Có nơi nhu cầu loại dừa ít vỏ, cùi mỏng đã tăng lên gấp 4-5 lần.
Bệnh nhân COVID-19 điều trị trong lều tạm cấp cứu tại một bệnh viện ở Bekasi, Tây Java, Indonesia. (Nguồn ảnh: AP)
Không có thực phẩm nào thay thế được các biện pháp phòng dịch đã được ngành y tế khuyến cáo
Người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Bệnh truyền nhiễm Indonesia cho biết, với nhu cầu tăng cao đối với sữa tiệt trùng, nước dừa tươi,….còn tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe khi tiêu thụ quá nhiều những thực phẩm này làm mất cân bằng dinh dưỡng.
TS. Tarmizi cho biết tất cả mọi loại thực phẩm và đồ uống, dù cho bổ dưỡng và hữu ích với sức khỏe tới mức nào, cũng chỉ nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, việc tích trữ một số thực phẩm được cho là tăng cường miễn dịch còn dẫn tới tâm lý lơ là, chủ quan trong phòng dịch COVID-19.
Bộ Y tế Indonesia khẳng định, tuân thủ các quy định phòng dịch và tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 vẫn là cách duy nhất để phòng ngừa COVID-19.
Theo TS. Tarmizi, những thực phẩm này không thể thay thế 2 cách phòng dịch COVID-19 chủ yếu là tuân thủ các quy tắc phòng dịch và thực hiện tiêm phòng COVID-19 được.
Kể từ đầu đại dịch cho tới nay, Indonesia đã ghi nhận 2,8 triệu ca mắc COVID-19. Chỉ trong vòng 1 tuần qua, khoảng 350.000 người có kết quả dương tính.
Trong vài ngày qua, số người tử vong mỗi ngày do dịch COVID-19 dao động từ 800-1.200 người. Tới nay, tổng số người tử vong do đại dịch ở Indonesia lên tới trên 70.000 người.