Với chiếc máy in 3D có giá chỉ 1.000 USD, các nhà khoa học tại ĐH Princeton đã thiết kế chiếc tai sinh học có thể nghe tốt hơn tai người. Họ in 3D các tế bào và phân tử nano rồi kết hợp một cuộn dây ăng-ten với sụn có thể tạo ra chiếc tai “sinh học” này. Kết quả là một bộ phận có chức năng đầy đủ có thể nghe tần số radio gấp 1 triệu lần so với tai người.
Chiếc xe đạp Airbike do Tập đoàn Quốc phòng và Hàng không vũ trụ châu Âu (EADS) làm từ bột nylon, sử dụng quy trình sản xuất tương tự như công nghệ in 3D nhưng còn được nung kết laser để gia tăng cấu trúc. Dù siêu nhẹ nhưng nó chịu được sức nặng tương đương thép hay hợp kim nhôm.
Tháng 3/2013, lần đầu tiên trên thế giới một người đàn ông Mỹ đã được thay 75% sọ bằng chiếc sọ giả in bằng công nghệ 3D. Chiếc sọ này được tạo ra dựa trên scan 3D đầu của bệnh nhân. Chiếc sọ giả có những lỗ thủng để kích thích các tế bào và xương mới mọc lên.
Khi Jake Evill, một sinh viên mới tốt nghiệp ĐH Victoria (New Zealand) bị gãy tay, anh ta thấy rằng bó bột đã “lỗi thời”, nên tạo ra một bộ xương ngoài nhẹ, thoáng khí, có thể tái sử dụng và dễ dàng lau rửa tay. Chiếc khuôn đặc biệt này giúp xương mau liền đồng thời giảm cảm giác khó chịu.
Bộ bikini được in bằng công nghệ 3D đầu tiên trên thế giới trình làng vào năm 2011 do các nhà thiết kế Jenna Fizel và Mary Haung của hãng thời trang Continuum tạo ra. Các nhà thiết kế cũng đưa ra tầm nhìn về việc các trang phục có thể được làm dựa trên scan cơ thể của khách hàng.
LiLy (Theo Oddee)