Hà Nội

Im lìm văn học mạng

22-10-2013 07:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sự kiện ra mắt tuyển tập Có một phố vừa đi qua phố (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) gồm thơ, truyện ngắn, tạp bút, tạp ghi... của blogger Đinh Vũ Hoàng Nguyên (1975 - 2012) - một người chưa từng xuất bản tác phẩm văn chương, là một sự kiện hiếm hoi của văn chương mạng thời gian gần đây.

Sự kiện ra mắt tuyển tập Có một phố vừa đi qua phố (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) gồm thơ, truyện ngắn, tạp bút, tạp ghi... của blogger Đinh Vũ Hoàng Nguyên (1975 - 2012) - một người chưa từng xuất bản tác phẩm văn chương, là một sự kiện hiếm hoi của văn chương mạng thời gian gần đây. Sự im hơi lặng tiếng của văn học mạng sau thời kỳ bùng nổ được coi như là hợp quy luật.

Hiện tượng một thời

Sự nổi lên của một tập hợp các tác giả trẻ đam mê viết lách và tự quảng bá tác phẩm của mình như một sự chia sẻ qua mạng ở Trung Quốc những thập niên 2000 đã lan rộng sang Việt Nam. Từ đó, xuất hiện một bộ phận những người viết trẻ mạnh dạn công bố những trang viết của mình trên mạng đơn giản như một cách tỏ bày quan niệm, cách sống. Tuy nhiên, với tốc độ lan truyền chóng mặt, những cái tên như Keng, Hà Kin, Trần Thu Trang, Phan An... trở thành những writter mạng "hot" trong giới độc giả trẻ.

Nắm bắt được xu thế này, một số cây bút chuyên nghiệp năng động cũng nhanh chóng phủ sóng tên tuổi của mình tới đông đảo độc giả với các blog chuyên về văn chương như Trang Hạ, Vương Trí Nhàn, Lý Lan, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Quang Lập... Trong số này có những cái tên vốn kín tiếng trong đời sống văn học nhưng cuối cùng vẫn không cưỡng lại những "hứa hẹn" kết nối tuyệt vời của mạng internet tới độc giả.

Một trong những thành quả của văn học mạng mang tới độc giả có lẽ là những tuyển tập tập hợp các bài viết do các nhà xuất bản xin phép tác giả trên mạng được in và ra mắt độc giả. Trong số những tác giả này, có nhiều người chưa từng xuất bản tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, sức nóng từ mạng internet giúp sách của họ bán đắt như tôm tươi. Từ đó, các tác giả này cũng được săn đón rất nhiệt thành, được tung hô và có lượng fan đông đảo không kém những nhà văn kỳ cựu.

Có thể nói, có thời điểm, văn học mạng đã tạo dựng được cả một đế chế, đến nỗi với nhiều người, nhà văn đích thực là phải có blog văn học, có nhiều tác phẩm được đăng tải trên mạng, nhà văn không biết quảng bá tác phẩm trên mạng bị coi là lạc hậu, lỗi thời. Danh xưng nhà văn mạng cũng trở nên đắt giá hơn hẳn. Dường như quan niệm này đã có tác dụng khi giúp phổ cập mạng internet, kết nối nhiều cây bút với nhau. Từ đó, giúp độc giả cập nhật nhanh hơn, sắc nét hơn về đời sống cũng như sáng tác của họ.

Im lìm văn học mạng 1
 Dị bản - Keng.

Mập mờ đánh lận con đen

Sự bùng nổ các cây bút chỉ xuất hiện trên mạng từ chỗ tạo ra một trào lưu mạnh mẽ đã trở nên quá tải đối với bạn đọc. Hiện thời, kể cả những độc giả chăm truy cập mạng nhất cũng tỏ ra bối rối khi phải liệt kê và đánh giá những blog văn học có chất lượng. Dường như sau một thời điểm bùng lên, văn học mạng đang loay hoay tìm một phương cách cho điểm dừng hoàn hảo. Những cuốn tuyển tập bài viết, truyện ngắn và phi thể loại của các tác giả mạng nhạt dần khi mà độc giả ngày càng được tiếp xúc với nhiều loại hình giải trí sinh động khác. Việc đi theo lối mòn, sao chép phong cách của nhiều cây bút trẻ khiến dòng sách vốn dễ tính trở thành nhàm chán, thiếu bản sắc. Chưa kể việc văn học mạng Việt Nam rõ ràng đang lép vế trước "mẹ đẻ" là văn học mạng Trung Quốc. Việc các tác phẩm ngôn tình, diễm lệ của các tác giả trẻ nước này được xuất bản rầm rộ trong thời gian gần đây đang tỷ lệ nghịch với doanh số tác phẩm bán ra của các tác giả trên mạng trong nước.

Và không biết tự bao giờ, có thêm nhiều những blog văn học bị bỏ hoang, nhiều blog khác sống một cách rất dè dặt và thêm các blog mới không có độc giả. Sự chuyên chú của các nhà văn mạng không còn "lửa" như trước, đồng nghĩa với việc một dòng văn học đang dần chìm vào quên lãng do thiếu chất lượng. Một mặt, không thể thâm canh trên cánh đồng chữ nghĩa đặc trưng, mặt khác, khó mà cất cánh ra khỏi địa hạt để làm nên tên tuổi giữa trùng trùng những cây bút đã và đang lên, nhiều cây bút lừng lẫy một thời của văn học mạng mau chóng chìm vào lãng quên.

Đâu đó trên những tờ báo mạng, thỉnh thoảng độc giả vẫn bắt gặp những profile giới thiệu về một cây bút trẻ đang nổi danh trên mạng như một cách cứu vãn lại một thời huy hoàng của văn học trên internet. Tuy nhiên, những cái tên ấy chưa đủ độ nóng để được gọi là tác giả mạng. Dường như những người trẻ ưa viết lách đã có một phương cách tỏ bày quan điểm của bản thân thay vì biến hóa thành những bài viết có ý thức, những sáng tác táo bạo và đầy chất thể nghiệm trên mạng.

Dù vẫn le lói thứ ánh sáng hợp thời nhưng có lẽ văn học mạng trong nước đang đứng trước ngưỡng cửa của hai thái cực: tiêu biến hay lột xác.

Diệu Yến


Ý kiến của bạn