Ðiều trị viêm tụy cấp thế nào?

20-05-2011 11:00 | Dược
google news

Viêm tụy cấp là viêm tuyến tụy đột ngột, mức độ có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng, tuy nhiên diễn biến thường có khuynh hướng giảm nhẹ đi.

Xin hỏi viêm tụy cấp là gì? Điều trị thế nào? Rượu có ảnh hưởng đến viêm tụy không?

Đỗ Văn Huy(Nam Định)

Viêm tụy cấp là viêm tuyến tụy đột ngột, mức độ có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng, tuy nhiên diễn biến thường có khuynh hướng giảm nhẹ đi.

Nguyên nhân chính dẫn đến viêm tụy cấp là sỏi mật và lạm dụng rượu. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như dùng các loại thuốc như furosemide và azathioprime, sử dụng estrogen ở phụ nữ có lipid máu cao, cường cận giáp và canxi máu cao; viêm tuyến mang tai cấp do virut (quai bị); tăng lipid máu, tổn thương tuyến tụy do phẫu thuật hoặc nội soi; tổn thương tuyến tụy do chấn thương bầm dập hoặc xuyên thấu; ung thư tụy...

Để điều trị, bệnh nhân viêm tụy nhẹ phải được nhập viện ngắn hạn, dùng thuốc giảm đau và nhịn ăn để giúp tuyến tụy được “nghỉ ngơi”. Thông thường có thể ăn uống bình thường trở lại sau 2 đến 3 ngày mà không cần điều trị thêm.

Những bệnh nhân viêm tụy trung bình đến nặng cần được nhập viện ngay, nhịn ăn. Sau đó, các triệu chứng đau và buồn nôn sẽ được kiểm soát bằng thuốc tiêm tĩnh mạch, truyền dịch tĩnh mạch.

Bệnh nhân viêm tụy cấp nặng được nhận vào đơn vị chăm sóc tích cực (săn sóc đặc biệt). Mẫu máu được lấy nhiều lần để giám sát các thành phần khác nhau của máu như hematocrit, lượng đường glucose, các chất điện giải, số lượng bạch cầu, lượng amylase và lipase. Đặt sonde dạ dày (ống mũi-dạ dày) để loại bỏ chất dịch và hơi, đặc biệt khi bệnh  nhân buồn nôn, ói mửa kéo dài và có kèm liệt ruột. Dinh dưỡng được đưa qua đường tiêm tĩnh mạch, qua ống dạ dày, hoặc phối hợp cả hai. Đối với những bệnh nhân tụt huyết áp hoặc đang bị sốc, thể tích máu vẫn được duy trì cẩn thận bằng các loại dịch truyền tĩnh mạch, đồng thời theo dõi chặt chẽ hoạt động của tim. Một số bệnh nhân cần thở oxy và hầu hết các trường hợp nặng đều cần đến thở máy. Điều trị viêm tụy cấp do sỏi mật tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Nếu viêm tụy nhẹ, có thể trì hoãn việc cắt túi mật cho đến khi các triệu chứng giảm dần. Viêm tụy nặng do sỏi ống mật chủ được điều trị bằng nội soi mật tụy ngược. Mặc dù hơn 80% bệnh nhân viêm tụy cấp do sỏi mật có thể tự đào thải sỏi, việc thực hiện ERCP lấy sỏi thường cần thiết đối với những trường hợp không cải thiện sau 24 giờ đầu nhập viện hoặc nhiễm trùng đường mật.

Tốt nhất, bạn nên dừng uống rượu vì rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc viêm tụy cấp. Chúc bạn khỏe! 
BS. Đồng Ngọc Khanh

Ý kiến của bạn