Gần đây, tôi thường bị đau vùng trước tai, khi nhai thì đau tăng lên, khi há hay ngậm miệng tôi nghe thấy có tiếng lạo xạo. Tôi đi khám thì bác sĩ cho biết bị rối loạn thái dương hàm. Xin hỏi vì sao bị bệnh này? Có thể điều trị bằng phương pháp nào?
Phạm Thị Hoài (Quảng Nam)
Rối loạn thái dương hàm là một thuật ngữ chung để chỉ những rối loạn liên quan đến các cơ nhai, đến khớp thái dương hàm hoặc cả hai. Nguyên nhân của hiện tượng này có nhiều, có thể do chấn thương, vi chấn thương mạn tính, bệnh toàn thân do miễn dịch, tâm sinh hay cơ chế sinh học thần kinh chưa hiểu rõ, khiếm khuyết cấu trúc khớp thái dương hàm hay các bệnh lý của khớp (như viêm khớp dạng thấp…). Khi bị rối loạn thái dương hàm, biểu hiện mà người bệnh cảm nhận được chủ yếu là cảm giác đau và loạn năng. Đau có thể xuất hiện ở thái dương hàm, ở các cơ nhai hay cũng có thể ở những vị trí khác xa hơn vùng hàm mặt như cổ, vai… Loạn năng liên quan trực tiếp đến vận động ở hàm dưới, đây là sự rối loạn vận động chức năng của khớp thái dương hàm hay của các cơ hàm. Loạn năng được nhận biết qua tiếng kêu lụp cụp hay lạo xạo ở khớp thái dương hàm, giới hạn vận động hàm dưới (khó khăn khi há miệng, đưa hàm sang bên (trong khi nhai) hoặc đưa hàm ra trước (để cắn thức ăn), lệch hàm khi há miệng. Ngoài ra, còn có thể gặp các biểu hiện như đau trong tai, ù tai, rối loạn thăng bằng, giảm thính lực… Để điều trị bệnh lý này, người bệnh có thể được điều trị bằng các thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ, an thần, tâm lý trị liệu, mang máng nhai; hoặc thực hiện can thiệp trên bộ răng và hệ thống nhai (bằng các biện pháp mài điều chỉnh khớp cắn, nhổ răng, phục hình, chỉnh hình, phẫu thuật).
BS.Nguyễn Đức Nam