Ðiều trị mụn cóc thế nào?

05-03-2017 14:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tay cháu có 1 mụn cóc, tuy không đau ngứa nhưng gồ lên, sờ nhám, chỉ muốn cấu đi nhưng không hết.

Tay cháu có 1 mụn cóc, tuy không đau ngứa nhưng gồ lên, sờ nhám, chỉ muốn cấu đi nhưng không hết. Cháu nghe nói không chữa có thể lây lan ra khắp người. Xin bác sĩ cho biết cách chữa thế nào? Chữa mẹo có khỏi không?

Trần Thị Tuyết(tuyettran@gmail.com)

Mụn cóc là những u nhỏ tăng sản lành tính của lớp thượng bì, bề mặt thường sần sùi, gây ra bởi virut HPV. HPV xâm nhập da qua những vết trầy xước bên ngoài.

Có hai dạng mụn cóc thường gặp: dạng mụn cóc thông thường là những cục sẩn cứng nhô trên da, mặt sần sùi, hình tròn, kích thước từ 2 đến vài chục milimet, có màu xám.

Có thể gặp mụn cóc này ở bất cứ vùng nào trên da, thường gặp nhất là ở bàn tay do chung đụng nhiều. Dạng mụn cóc phẳng sờ kỹ mới phát hiện được. Loại mụn cóc này thường lây lan nhanh nên thường có vài chục đến hàng trăm cái mọc trên da, có khi mọc thành vệt dài gọi là hiện tượng Koebner. Vị trí thường gặp ở lưng bàn tay, cẳng tay, mặt, cổ.

Khi mụn cóc đã lây lan nhiều, việc điều trị cần được thực hiện nhiều lần, rất mất thời gian. Vì đây là bệnh do virut gây ra, trong quá trình bệnh có khi bệnh tự nhiên khỏi không để lại dấu vết gì trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, trường hợp này cũng ít xảy ra, chủ yếu là gặp ở trẻ em. Càng để lâu mụn cóc thường có khuynh hướng lây lan nhiều hơn, do đó nên điều trị càng sớm càng tốt.

Bạn nên đến khám tại chuyên khoa da liễu, nếu mụn cóc nhỏ dưới 0,5cm có thể chấm axit hoặc nitơ lỏng, đốt điện. Nếu mụn cóc to có thể gây tê để cắt hoặc tiêm bleomycin tại chỗ hoặc tiêm interferon trong trường hợp mụn cóc khó điều trị. Có nhiều phương pháp gọi là “chữa mẹo” trong dân gian nhưng cho đến nay chưa có phương pháp nào đáng tin cậy hoàn toàn vì đã nhiều người áp dụng nhưng không thấy có kết quả.

BS. Vũ Lan Anh


Ý kiến của bạn