Ðiều trị một số biến chứng tim mạch do đái tháo đường

19-12-2013 00:38 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đái tháo đường (ĐTĐ) gây nhiều biến chứng cho tim mạch và thường là những biến chứng nặng nề. Dưới đây là một số phương pháp điều trị các biến chứng tim mạch do đái tháo đường.

Đái tháo đường (ĐTĐ) gây nhiều biến chứng cho tim mạch và thường là những biến chứng nặng nề. Dưới đây là một số phương pháp điều trị các biến chứng tim mạch do đái tháo đường.

Hội chứng động mạch vành cấp

Hội chứng động mạch vành (ĐMV) cấp bao gồm cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim (NMCT) không ST chênh lên và NMCT có ST chênh lên. Tiên lượng hội chứng ĐMV cấp trên bệnh nhân ĐTĐ thường xấu, do nhiều nhánh ĐMV cũng bị tổn thương và hình thái tổn thương thường phức tạp, khó can thiệp.

Tái lưu thông ĐMV: tái lưu thông ĐMV là điều trị chính đối với bệnh nhân bị hội chứng ĐMV cấp. Có 3 biện pháp tái thông ĐMV là dùng thuốc tiêu sợi huyết, nong ĐMV và phẫu thuật bắc cầu chủ - vành. Trước đây, người ta cho rằng đối với bệnh nhân ĐTĐ, phẫu thuật bắc cầu chủ - vành là biện pháp điều trị chính. Song từ khi có các loại stent phủ thuốc, phối hợp với các thuốc ức chế thụ thể GPIIb/IIIa của tiểu cầu thì nhiều bệnh nhân ĐTĐ bị hội chứng mạch vành cấp đã được cứu sống nhờ các biện pháp điều trị này.

Trước khi có stent và thuốc ức chế thụ thể GP IIb/IIIa, tỷ lệ tái hẹp sau nong ĐMV trên bệnh nhân ĐTĐ lên tới 47 - 71%. Nhưng khi kết hợp đặt stent phủ thuốc cùng với các thuốc ức chế thụ thể IIb/IIIa và các thuốc chống gây kết tập tiểu cầu khác thì tỷ lệ tái hẹp chỉ còn 8,1% ở bệnh nhân ĐTĐ được can thiệp ĐMV.

Lượng đường cao dễ gây biến chứng tim mạch.

Suy tim

ĐTĐ là yếu tố nguy cơ độc lập của suy tim. Hai nguyên nhân góp phần gia tăng suy tim ở bệnh nhân ĐTĐ là vấn đề NMCT trong bệnh ĐMV mạn và tình trạng tái cấu trúc thất sau NMCT. Trong nhiều nghiên cứu khác nhau, người ta cho thấy bệnh nhân ĐTĐ có tần suất suy tim cao hơn hẳn bệnh nhân không ĐTĐ. Việc kiểm soát tốt đường huyết và chỉ số huyết áp sẽ giúp giảm nguy cơ suy tim ở bệnh nhân ĐTĐ.

Các thuốc sử dụng nhằm phòng ngừa hoặc điều trị suy tim do ĐTĐ thường được sử dụng là: thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II, chất đối kháng aldosteron, thuốc chẹn beta giao cảm...

Loạn nhịp tim

Nhiều loại rối loạn nhịp có thể gặp ở bệnh nhân ĐTĐ như: ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất, rung nhĩ, bloc nhĩ - thất... Tần suất rung nhĩ trên bệnh nhân ĐTĐ chỉ đứng sau suy tim và tăng huyết áp trong khởi phát rung nhĩ. ĐTĐ cũng là một yếu tố nguy cơ độc lập gây đột quỵ. Tần suất đột quỵ do tình trạng huyết khối gia tăng vì vận tốc dòng máu trong tiểu nhĩ hay trong tâm nhĩ giảm. ĐTĐ sẽ làm gia tăng nguy cơ đột tử ở mọi lứa tuổi nhiều hơn gấp 4 lần, ở nữ nhiều hơn nam. Cơ chế của đột tử do ĐTĐ còn chưa thực sự rõ ràng, có thể do nhiều yếu tố phối hợp như: xơ vữa động mạch, tổn thương vi mạch, rối loạn hệ thần kinh tự chủ, hội chứng QT dài.

Khi đường máu càng cao thì nguy cơ đột tử sẽ càng lớn.

Bệnh động mạch ngoại vi và bệnh mạch máu não

Động mạch ngoại vi (ĐMNV) thường thấy rõ nhất các tổn thương là động mạch chi dưới, động mạch thận, động mạch cảnh... Bệnh nhân ĐTĐ có tần suất bệnh ĐMNV gia tăng từ 2 - 4 lần và khoảng 15% bệnh nhân có chỉ số cổ chân - cánh tay bất thường. Tần suất bệnh cũng gia tăng theo tuổi, theo thời gian mắc bệnh ĐTĐ và bệnh thần kinh ngoại vi. Biểu hiện lâm sàng hay gặp của bệnh ĐMNV là tình trạng thiếu máu cục bộ chi dưới với biểu hiện lâm sàng là các cơn đau cách hồi.

Các biện pháp điều trị bao gồm: giảm yếu tố nguy cơ tim mạch, ức chế kết tập tiểu cầu, tái lưu thông mạch (nong mạch qua da hoặc phẫu thuật).

Đột quỵ

Nguy cơ tương đối của đột quỵ trên bệnh nhân ĐTĐ tăng từ 2,5 - 4,1 lần ở nam và 3,6 - 5,8 lần ở nữ so với người không mắc ĐTĐ. Tương quan giữa tăng đường máu và đột quỵ trên bệnh nhân ĐTĐ ít chặt chẽ hơn so với NMCT.

Bệnh nhân ĐTĐ nếu đã có biến chứng có protein niệu, bệnh võng mạc hay bệnh thần kinh tự chủ thì thường cũng bị gia tăng nguy cơ đột quỵ. Đột quỵ thường do tình trạng thiếu máu cục bộ ở não.

Việc kiểm soát tốt đường máu, huyết áp và chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, phục hồi chức năng hợp lý sẽ góp phần giảm thiểu tối đa những hậu quả do tai biến mạch não gây nên.

Dự án Quốc gia Phòng chống bệnh đái tháo đường

 


Ý kiến của bạn