Ðiều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cứu nhiều trẻ thoát khỏi nhiễm HIV từ mẹ

19-02-2016 13:41 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV nếu không can thiệp gì thì có tới 30-40 trẻ sẽ bị nhiễm HIV.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV nếu không can thiệp gì thì có tới 30-40 trẻ sẽ bị nhiễm HIV. Nếu được phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị thích hợp thì trong 100 trẻ ấy chỉ còn khoảng từ 3-5 trẻ bị nhiễm HIV, thậm chí còn thấp hơn nữa...

Hàng ngàn trẻ thoát khỏi HIV

Như vậy một bà mẹ bị nhiễm HIV mang thai có thể làm lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhưng không phải tất cả các bà mẹ nhiễm HIV mang thai khi sinh con thì con của họ đều bị nhiễm HIV. Chỉ có 1/3 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV sẽ thực sự bị nhiễm HIV. Nếu 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV không được chăm sóc điều trị thích hợp, không được dùng thuốc kháng HIV để phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con thì trung bình có 30-35 trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Trong khi đó nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 5% (100 trẻ sinh ra có thể chỉ có 3-5 trẻ nhiễm HIV từ mẹ hoặc thậm chí còn ít hơn nữa).

Tư vấn cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Ở nước ta ước tính trung bình mỗi năm có từ 1,5-2 triệu phụ nữ mang thai, với tỷ lệ nhiễm HIV khoảng 0,25-0,3% trong nhóm này thì mỗi năm có khoảng từ 4.000-6.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Nếu không được can thiệp mỗi năm sẽ có 1.500-3.000 trẻ bị nhiễm HIV ra đời. Nếu được chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp, tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới 5%, nghĩa là chỉ còn 150-200 cháu bị nhiễm HIV từ mẹ. Hàng ngàn cháu sẽ được cứu thoát khỏi HIV. Đây là con số hết sức có ý nghĩa về nhiều mặt.

Vì vậy, phụ nữ mang thai biết mình bị nhiễm HIV hoặc phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai và muốn sinh con đều cần được tư vấn và cần tuân thủ tốt việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế đăng ký càng sớm càng tốt để được điều trị dự phòng kịp thời. Nếu điều trị muộn hơn kết quả sẽ bị hạn chế.

Và điểm mới của chương trình điều trị

Với mục tiêu không còn trẻ nhiễm HIV từ những bà mẹ mang thai nhiễm HIV truyền sang, Bộ Y tế đã áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới là điều trị ngay ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng.

PGS.TS. Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, điểm ưu việt của chương trình này là những phụ nữ mang thai khi được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ được điều trị ngay bằng phác đồ 3 thuốc, mà không cần biết CD4 là bao nhiêu và tiếp tục điều trị suốt đời. Những đứa trẻ cũng được điều trị luôn và không bị cấm chỉ định cho bú sữa mẹ như trước. “Chương trình này ra đời sau khi có hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và sau khi có kết quả nghiên cứu về thuốc tenofivir không có hại cho thai nhi. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm thực hiện chủ trương này” - TS. Bùi Đức Dương cho biết thêm.

Đón nhận chính sách mới mẻ này, bà Lại Kim Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng, chống AIDS thành phố Cần Thơ nhận xét, đây là một chính sách đầy nhân văn, hướng về đối tượng phụ nữ và trẻ em. Nếu thực hiện tốt chủ trương này, phụ nữ mang thai sẽ giảm được đáng kể nồng độ HIV trong máu, góp phần làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV sang đứa con thân yêu cũng như cho cả cộng đồng. Không chỉ có vậy, việc “đứa trẻ không bị hạn chế bú sữa mẹ” sẽ giúp đứa trẻ tăng cường miễn dịch, phòng chống bệnh, đặc biệt là gắn kết tình cảm mẹ con hơn. Xét về góc độ kinh tế, chi phí cũng sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc cho trẻ sử dụng các thức ăn thay thế.


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn