Hà Nội

Ðiều trị bệnh thủy đậu - Thuốc gì?

20-02-2017 13:38 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Gần đây, bệnh thủy đậu đang gia tăng nhanh, không ít ca phải nhập viện điều trị vì dấu hiệu nặng và có thể gặp biến chứng.

Gần đây, bệnh thủy đậu đang gia tăng nhanh, không ít ca phải nhập viện điều trị vì dấu hiệu nặng và có thể gặp biến chứng. Đây là loại bệnh thường gặp vào mùa đông xuân với đối tượng chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên, cá biệt bệnh gặp cả ở người lớn.Việc dùng thuốc trị bệnh phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Mọi người cần biết những phương pháp chăm sóc người bệnh và dùng thuốc đúng cách để tăng hiệu quả điều trị.

Những lưu ý trong chăm sóc và điều trị

Hiện nay phần lớn người mắc bệnh đều không đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế mà tự chữa tại nhà bằng phương pháp dân gian, không đảm bảo vệ sinh.Bệnh thủy đậu có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng nếu phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em vẫn chưa ý thức được nhiều về mức độ nguy hiểm và các biến chứng của bệnh thủy đậu, nên vẫn hay gãi khi bị ngứa, vệ sinh tay chân không sạch. Vì vậy, nốt loét có thể bị bội nhiễm gây nhiễm khuẩn da nặng hoặc nhiễm khuẩn máu.Tuy là một bệnh nhẹ và dễ điều trị nhưng cha mẹ cần phải chăm sóc trẻ đúng cách.

Điều quan trọng nhất trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân thủy đậu là làm sạch da và vệ sinh thân thể: Cho người bệnh nằm nghỉ trong phòng thoáng mát, sạch sẽ, cách ly tại nhà trong suốt thời gian bệnh cho tới khi hoàn toàn khỏi bệnh. Cho trẻ ăn các chất dễ tiêu. Chú ý cắt ngắn móng tay và giữ sạch tay. Trẻ nhỏ phải cho mang bao tay, xoa bột tan (talc) vô khuẩn khắp người để trẻ đỡ ngứa. Tránh cọ xát làm các bóng nước bị vỡ và lây lan. Không nên cho trẻ mặc áo quá dày vì dễ cọ sát vỡ mụn. Toàn bộ quần áo phải được giặt hàng ngày bằng xà phòng và ủi trước khi mặc.

Dùng thuốc như thế nào?

Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh mà cách điều trị bệnh thủy đậu tùy thuộc vào sự phát hiện bệnh sớm trong 24 giờ đầu.Cần cho người bệnh đi khám bệnh ngay. Căn cứ vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ cho điều trị nội trú hoặc điều trị tại nhà.

Bệnh thủy đậuTiêm vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.

Khi bệnh nhân thủy đậu đau và sốt trên 38,50C, có thể cho dùng thuốc hạ sốt giảm đau acetaminophen (paracetamol).Tuyệt đối không được dùng aspirin hoặc những thuốc có chứa aspirin cho trẻ em do nguy cơ xảy ra hội chứng Reye (một bệnh chuyển hóa nặng gây tổn thương não và gan dễ dẫn đến tử vong). Trường hợp bệnh nhân có bội nhiễm ở các nốt phỏng, sưng tấy, toàn thân có sốt thì nên cân nhắc dùng kháng sinh đường uống (nhóm beta lactam, cephalosporin...). Mỗi ngày, 2-3 lần nhỏ mắt, mũi bằng thuốc sát khuẩn như nước muối sinh lý hoặc acgyrol 1%.

Thuốc trị triệu chứng ngứa: Ngứa là triệu chứng gặp ở hầu hết bệnh nhân bị thủy đậu, đặc biệt ở những bệnh nhân có nổi nhiều bóng nước. Thuốc có thể dùng là các thuốc kháng histamin như: chlopheniramin, loratadine… Ngoài ra, dùng các thuốc bôi tại chỗ như hồ nước và xanh methylen cũng có hiệu quả rõ rệt. Xanh methylen là loại thuốc sát khuẩn nhẹ có dạng dung dịch dùng ngoài 1% hoặc dung dịch milian (gồm xanh methylen, tím gentian, ethanol, nước cất…). Khi nốt phỏng vỡ, chỉ nên bôi thuốc xanh methylen, không được bôi mỡ tetracyclin, mỡ penicilin hay thuốc đỏ.Tắm thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng trung tính sẽ bớt ngứa.Ngoài ra, có thể bôi lên da các dung dịch làm dịu và làm ẩm như dung dịch calamine.

Điều trị bằng thuốc kháng virut: Thủy đậu là một bệnh lành tính, nếu phát hiện bệnh sớm thì chỉ cần dùng thuốc chữa triệu chứng và hạn chế các nốt phỏng lan rộng và không bị bội nhiễm. Thuốc kháng virut chỉ dùng trong trường hợp bệnh nặng, phòng biến chứng viêm phổi thủy đậu, biến chứng nội tạng hoặc các bệnh nhân có suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, phụ nữ có thai, người mới ghép tạng, sử dụng corticoid dài ngày. Tuy nhiên, do bệnh thường dễ nặng ở đối tượng trẻ vị thành niên và người lớn nên có thể cân nhắc sử dụng thuốc cho các đối tượng này.

Loại thuốc kháng virut đặc hiệu dùng cho bệnh nhân thủy đậu là acyclovir.Đây là một thuốc kháng virut thuộc nhóm ức chế ADN polymerase. Acyclovir có thể dùng đường uống, đường tiêm hoặc đường tại chỗ (bôi ngoài da), thuốc phân bố rộng rãi vào dịch cơ thể và các cơ quan như thận, não, gan, phổi... và thức ăn không làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu thuốc. Thời gian bán thải từ 3 - 4 giờ nên thường sau 4 - 5 giờ sẽ dùng thuốc một lần. Liều lượng phụ thuộc lứa tuổi hoặc cân nặng (đối với trẻ nhỏ). Thuốc sẽ cho hiệu quả cao nếu được dùng sớm, trong thời gian từ 1 đến 2 ngày khi bắt đầu phát ban thủy đậu.Trường hợp nặng hơn hoặc có biến chứng như viêm màng não, trẻ suy giảm miễn dịch có thể dùng acyclovir đường tĩnh mạch.

Lời khuyên của thầy thuốc

Tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.Không tự ý dùng thuốc hoặc nghe lời mách bảo mà dùng thuốc sai lầm, dẫn đến thủy đậu bội nhiễm nặng và để lại biến chứng.Giai đoạn vừa mới lành bệnh, cần phải tuyệt đối chống nắng và tránh cào gãi gây trầy xước. Bổ sung đầy đủ các vitamin và yếu tố vi lượng cho da thông qua chế độ ăn. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ và nghỉ ngơi nhiều.

Tiêm vắc-xin để ngừa thủy đậu là giải pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa bệnh và giảm độ nặng của bệnh. Vắc-xin ngừa thủy đậu tạo được miễn dịch lâu dài gần như suốt đời, tính an toàn cao, ít tác dụng phụ. Nên tiêm phòng thủy đậu cho trẻ từ nhỏ.Mũi đầu tiên tiêm lúc trẻ 1 tuổi và mũi thứ hai (tiêm nhắc lại) lúc 4 tuổi.Đối với người lớn chưa bị thủy đậu, có thể tiêm phòng vào bất cứ lúc nào.


DS.Trần Minh Thành
Ý kiến của bạn