Ðiều trị bệnh dị dạng động tĩnh mạch não

14-11-2011 10:21 | Bệnh thường gặp
google news

Dị dạng động tĩnh mạch não (DDĐTMN) là bệnh bẩm sinh, hình thành một đám rối mạch máu bất thường trong não, nối thông động mạch và tĩnh mạch não, không đi qua hệ mao mạch bình thường của não,

Dị dạng động tĩnh mạch não (DDĐTMN) là bệnh bẩm sinh, hình thành một đám rối mạch máu bất thường trong não, nối thông động mạch và tĩnh mạch não, không đi qua hệ mao mạch bình thường của não, không cấp máu cho nhu mô não, khi vỡ gây đột qụy chảy máu não.

Biểu hiện của DDĐTMN

Khi chưa vỡ: Bệnh nhân có biểu hiện đau đầu mạn tính, điều trị nội khoa không khỏi, có những cơn co giật kiểu động kinh. Những trường hợp kích thước tổn thương dị dạng lớn có thể gây chèn ép não và thiếu máu não gây bại liệt tay chân… Cũng có thể không có triệu chứng gì, được phát hiện tình cờ khi chụp cắt lớp, cộng hưởng từ hoặc chụp mạch não vì lý do khác.

Khi bị vỡ: gây đột quỵ chảy máu não, thường chảy máu trong nhu mô não, có thể chảy máu não thất hoặc kết hợp, rất hiếm khi chảy máu dưới nhện. Triệu chứng đột ngột, cấp tính với mức độ nặng nhẹ khác nhau với các biểu hiện: đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, tăng huyết áp, ý thức có thể bình thường, hoặc lơ mơ, thậm chí hôn mê, bại liệt nửa người, khó nói hoặc không nói được…

Dị dạng động tĩnh mạch não phát triển theo thời gian, tồn tại không triệu chứng trong nhiều năm và được phát hiện chủ yếu ở độ tuổi 45 trở xuống trong 3 tình huống: chảy máu não (50-60%), đau đầu, động kinh (40-45%), hoặc tình cờ (5-10%). Một số bệnh nhân được phát hiện bệnh khá muộn (60-70 tuổi).

Bệnh nhân dị dạng động tĩnh mạch não có nguy cơ bị vỡ hằng năm khoảng 2-4% (kể cả trẻ em) bị do vỡ khối dị dạng. Ðây là biến chứng nặng nề nhất của bệnh.

Chẩn đoán DDĐTMN khi chưa bị chảy máu não

Nếu nghi ngờ bị DDĐTMN, bệnh nhân cần được chụp cộng hưởng từ não và mạch máu não (MRI và MRA) hoặc cắt lớp vi tính (CT) (đặc biệt nếu có CT đa lớp cắt MSCT là tốt nhất) để phát hiện tổn thương. Chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA) là cần thiết để đánh giá chi tiết hình thái cấu trúc dị dạng mạch máu não.

Cần làm gì khi bệnh nhân bị đột quỵ não và phát hiện vỡ DDĐTMN?

Mỗi dạng đột quỵ não được chẩn đoán và điều trị theo một quy trình khác nhau. Bệnh nhân có biểu hiện bị đột quỵ não cần được đưa ngay đến bệnh viện tỉnh, thành phố gần nhất để được khám xét, xử trí cấp cứu rối loạn hô hấp, tim mạch và chụp CT não cấp cứu.

Nếu có chảy máu não, các bác sĩ sẽ xác định loại chảy máu não, dự đoán nguyên nhân để có hướng xử trí đúng. Nếu chảy máu nhu mô não do vỡ các mạch nhỏ trên bệnh nhân tăng huyết áp, vữa xơ động mạch thì không cần chụp mạch máu não. Ngược lại, nếu nghĩ đến chảy máu do bệnh của mạch máu não (phồng động mạch não, DDĐTMN) thì cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên càng sớm càng tốt để chụp mạch não (DSA) và can thiệp điều trị cấp cứu.

Phương pháp điều trị DDĐTMN

Phẫu thuật mở: mở hộp sọ, kẹp và cắt các mạch máu dị dạng.

Phẫu thuật tia xạ: dùng chùm tia xạ chiếu từ ngoài làm tổn thương các tế bào thành mạch bệnh lý, làm hẹp dần và tắc các mạch dị dạng.

Can thiệp nội mạch: dùng ống thông nhỏ đi qua động mạch đùi lên não, sử dụng chất gây tắc là keo (glue) hoặc onyx để bơm tắc dị dạng động tĩnh mạch qua ống thông (nút mạch).

Can thiệp nút mạch điều trị DDĐTMN

Kỹ thuật được thực hiện bởi bác sĩ can thiệp mạch thần kinh trên máy chụp mạch DSA. Bệnh nhân thường được gây mê. Một ống thông dẫn đường kích thước 2mm được đưa vào động mạch đùi, ngược dòng máu lên cổ. Một ống thông nhỏ được đưa qua ống dẫn đường để lên não, theo dòng máu của nhánh động mạch cấp máu đến sát khối dị dạng. Chất gây tắc được bơm qua ống thông để làm tắc ổ mạch dị dạng. Sau khi chụp kiểm tra đánh giá kết quả, ống thông được rút ra khỏi động mạch đùi và băng ép vị trí chọc động mạch.

Sau nút mạch điều trị DDĐTMN

- Nếu là DDĐTMN chưa vỡ thì cần nằm viện 3 - 5 ngày sau điều trị nút mạch. Ngược lại, nếu là DDĐTMN đã vỡ cần nằm viện 7 - 14 ngày, thậm chí lâu hơn để điều trị và theo dõi các rối loạn do chảy máu gây ra.

- Cần điều trị nội khoa và phục hồi chức năng tích cực cho bệnh nhân nếu có di chứng.

- Bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống lao động và học tập bình thường sau khi đã hồi phục tốt.

- Cần kiểm tra lại kết quả điều trị sau 6 tháng và 2 năm bằng chụp mạch não DSA, hoặc chụp cộng hưởng từ để khẳng định DDĐTMNđã được nút kín hoàn toàn.

- Một số trường hợp phải nút DDĐTMN nhiều lần do kích thước lớn và cấu trúc phức tạp, bệnh nhân cần tuân thủ quy trình điều trị của bác sĩ, vì khi tổn thương chưa được điều trị triệt để thì bệnh nhân vẫn còn nguy cơ bị chảy máu não.    

TS. Lê Văn Trường
(Chủ nhiệm Khoa Can thiệp mạch, BV Trung ương Quân đội 108)

Ý kiến của bạn