Sau đó, định hướng đến năm 2030 sẽ loại trừ tiếp các chủng loại ký sinh trùng gây bệnh khác để tiến tới một quốc gia không còn bệnh sốt rét. Trong loại trừ sốt rét, việc điều tra ca bệnh và ổ bệnh rất quan trọng để giúp thực hiện công tác quản lý tốt nhằm tiến hành biện pháp can thiệp hiệu quả.
Điều tra ca bệnh sốt rét
Hiện nay chiến lược loại trừ sốt rét tại nước ta sử dụng khái niệm về ca bệnh sốt rét bao gồm ca sốt rét lâm sàng và ca xác định mắc sốt rét. Trong điều tra ca bệnh sốt rét và ổ bệnh sốt rét, chỉ thực hiện điều tra các ca xác định mắc sốt rét hay còn gọi là ca sốt rét có ký sinh trùng; còn các ca sốt rét lâm sàng không thống kê ghi nhận. Ca xác định mắc sốt rét là trường hợp có ký sinh trùng sốt rét trong máu được xác định bằng xét nghiệm lam máu nhuộm giemsa, xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên hoặc xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction).
Lưu ý sau khi điều tra ca bệnh sốt rét, cần phân loại ca sốt rét theo đường truyền bệnh bao gồm: Ca sốt rét không phải do muỗi truyền (induced case) là ca sốt rét do truyền máu, tiêm chích hoặc sốt rét bẩm sinh. Ca sốt rét nội địa (indigenous case) là ca mắc sốt rét tại chỗ do muỗi truyền bệnh, không có bằng chứng nào liên quan trực tiếp đến một ca mắc sốt rét ngoại lai. Ca sốt rét ngoại lai (imported case) là ca sốt rét do muỗi truyền ở địa phương khác như ở nước ngoài, tỉnh khác, huyện khác. Ca sốt rét thứ phát (introduced case) là ca mắc sốt rét tại chỗ đầu tiên do muỗi truyền bệnh từ ca sốt rét ngoại lai. Ca sốt rét tái phát (relapsing case) là ca sốt rét có tiền sử nhiễm sốt rét với ký sinh trùng Plasmodium vivax hoặc Plasmodium ovale trong vòng 3 năm, không có liên quan về mặt dịch tễ với vùng sốt rét lân cận như tái phát bệnh sốt rét từ ca sốt rét ngoại lai, từ một ca sốt rét thứ phát hoặc từ một ca sốt rét nội địa. Thực tế nếu không thể phân biệt được ca sốt rét tái phát với ca sốt rét nội địa ở những vùng có lan truyền sốt rét tại chỗ và có liên quan về mặt dịch tễ với các ca sốt rét ở vùng chung quanh thì phải cho là mới nhiễm hoặc tái nhiễm.
Điều tra ca bệnh và ổ bệnh sốt rét để xử lý biện pháp là nhiệm vụ quan trọng trong loại trừ sốt rét hiện nay.
Phương pháp điều tra ca bệnh sốt rét với yêu cầu là phải thực hiện thường xuyên, xem như một hoạt động quan trọng trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm nói chung và sốt rét nói riêng nhằm mục đích quản lý tốt ca bệnh và các yếu tố dịch tế sốt rét có liên quan như: quá trình chẩn đoán tác nhân gây bệnh và hiệu quả điều trị, sự phân bố bệnh theo thời gian và địa điểm, phương thức lây truyền và khả năng lây truyền bệnh ở cộng đồng để đề xuất và lựa chọn biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả nhất khi cần thiết.
Điều tra ca bệnh sốt rét cần được tiến hành theo quy định: Nếu ca bệnh được phát hiện tại trạm y tế xã, phường, thị trấn thì nhân viên y tế phải khai thác bệnh sử và các yếu tố liên quan để ghi vào nội dung của phiếu điều tra ca bệnh ký sinh trùng sốt rét. Nếu ca bệnh do y tế thôn bản phát hiện và khai báo ca bệnh thì nhân viên y tế xã, phường, thị trấn cần tiến hành điều tra ca bệnh với yêu cầu: Phải tổ chức điều tra ca sốt rét ngay khi có khai báo phát hiện được người nhiễm ký sinh trùng sốt rét, thời gian lý tưởng nhất là từ 1 đến 2 ngày sau khi nhận được khai báo về ca bệnh sốt rét. Phải đến nhà người bệnh và gặp trực tiếp người bệnh để tìm hiểu các thông tin, ghi vào phiếu điều tra ca bệnh ký sinh trùng sốt rét với nội dung: đối chiếu họ tên bệnh nhân, tuổi, giới, dân tộc, nghề nghiệp, nơi ở, nơi phát hiện bệnh do y tế thôn bản, y tế tư nhân, phòng khám đa khoa khu vực, bệnh viện huyện hay tỉnh, quân y...; triệu chứng khi mắc bệnh hay bệnh sử, các dấu hiệu khác nếu có, ngày khởi phát bệnh, địa điểm khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên như tại nhà, tại rừng, tại rẫy hay tại nơi khác; trước khi bị sốt hay sốt rét 14 ngày bệnh nhân đã ở đâu, ở nhà, ở rừng, ở rẫy, giao lưu biên giới, ở nơi khác ngoài xã; ngày xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét; ngày trả lời kết quả xét nghiệm; kết quả xét nghiệm nhiễm Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae hay nhiễm phối hợp; thời gian bắt đầu điều trị; thuốc điều trị và liều lượng, ghi rõ tên thuốc, số viên thuốc, số ngày dùng...; kết quả điều trị, hết sốt, khỏi bệnh, không khỏi bệnh; bệnh nhân có được xét nghiệm máu khi hết sốt hay không, nếu có ghi kết quả xét nghiệm; bệnh nhân đã mắc sốt rét trước đây hay không, nếu đã từng mắc thì lần mắc gần nhất khi nào; trong nhà có ai bị mắc sốt rét không; chung quanh nhà có ai bị mắc sốt rét không; các biện pháp phòng chống sốt rét tại địa phương đã thực hiện và thực hiện khi nào; ghi nhận định của người điều tra về nơi nhiễm, nguồn nhiễm, chẩn đoán, kết quả điều trị và yếu tố dịch tễ liên quan như khả năng lây truyền bệnh sốt rét tại nơi ở và ở thôn có ca bệnh sốt rét, đồng thời đề xuất biện pháp can thiệp nếu cần thiết; đồng thời cần báo cáo lên tuyến trên. Ngoài ra, cần triển khai hoạt động phát hiện bệnh chủ động, xét nghiệm lam máu hoặc thực hiện test chẩn đoán nhanh giới hạn cho những người có nguy cơ mắc sốt rét như người sống cùng nhà với bệnh nhân, người sống ở các nhà chung quanh nhà của bệnh nhân tùy thuộc vào thực tế khi có người mắc sốt rét ở chung quanh nhà bệnh nhân hoặc có nhiều người mắc sốt rét ở thôn bản của bệnh nhân nếu cần thiết; đồng thời báo cáo lên tuyến trên về kết quả hoạt động phát hiện bệnh chủ động.
Điều tra ổ bệnh sốt rét
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một ổ bệnh sốt rét là một thôn, bản, ấp... có ca bệnh xác định sốt rét hay còn gọi là ca bệnh có ký sinh trùng hiện nay hoặc trước đây thuộc vùng sốt rét lưu hành có các yếu tố dịch tễ cần thiết cho việc lan truyền bệnh sốt rét như có các ổ bọ gậy, nơi trú đậu của muỗi truyền bệnh Anopheles và người dân có nguy cơ bị muỗi sốt rét chích đốt máu. Lưu ý cần phân biệt ổ bệnh sốt rét với khái niệm về dịch sốt rét theo quy định. Dịch sốt rét được xác định khi ở một nơi có mức bệnh sốt rét với ca bệnh mắc mới tăng đột ngột so với diễn biến bình thường trong một quần thể dân cư như ở một thôn, bản, ấp, cụm dân cư và có sự lan truyền tại chỗ.
Mục đích của việc điều tra ổ bệnh là để phân loại ca bệnh, phát hiện ca bệnh chủ động người có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng sốt rét ở ổ bệnh và những thông tin có liên quan đến lây truyền bệnh sốt rét tại ổ bệnh. Người có nguy cơ là những người sống cùng hoặc có môi trường làm việc cùng với bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét hoặc những người có khả năng tiếp xúc với cùng nguồn lây nhiễm. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cơ quan y tế thuộc tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố, tỉnh là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức điều tra ổ bệnh sốt rét; y tế xã, phường, thị trấn và thôn bản phối hợp với tuyến trên để thực hiện việc điều tra ổ bệnh sốt rét.
Điều cần quan tâm
Hiện nay tất cả các địa phương tại nước ta đang triển khai chiến lược loại trừ bệnh sốt rét theo kế hoạch chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, việc điều tra ca bệnh và ổ bệnh sốt rét rất quan trọng cần được tiến hành một cách cụ thể nhằm chủ động xử lý biện pháp can thiệp kịp thời để khống chế bệnh phát tán và lưu hành, vùng dịch tễ sốt rét được thu hẹp lại để loại trừ bệnh sốt rét bền vững, tiến tới một quốc gia không còn bệnh sốt rét. Các địa phương, cơ sở cần quan tâm đến vấn đề này để đạt được hiệu quả tốt trong lộ trình loại trừ sốt rét thời gian tới.