Ðiều kiện vệ sinh kém, tỷ lệ mắc bệnh tăng

13-12-2016 10:33 | Thời sự
google news

SKĐS - Khoảng 2,4 tỷ người dân trên thế giới không có điều kiện vệ sinh tốt và hơn 1 tỷ người buộc phải đi vệ sinh ngoài trời - theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc năm 2015. Hệ thống vệ sinh không tốt sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tật, suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Thực trạng môi trường vệ sinh trên thế giới

Cứ 20 giây lại có một trẻ em tử vong vì những bệnh liên quan đến các điều kiện không hợp vệ sinh. Hàng năm có tới 443 triệu lượt học sinh nghỉ học bởi bệnh tiêu chảy, liên quan tới vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và điều kiện không được tiếp cận với nguồn nước sạch. Điều kiện vệ sinh kém cũng làm kìm hãm sự phát triển kinh tế. Trong năm 2013 có hơn 340.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy vì thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân yếu kém, tức là trung bình khoảng 1.000 ca tử vong trong 1 ngày trên toàn thế giới. Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, trẻ em sống trong các thôn bản chưa có đầy đủ nhà vệ sinh có chiều cao trung bình thấp hơn 3,5cm so với trẻ em dưới 5 tuổi sống ở những nơi có điều kiện vệ sinh đảm bảo.

Và tại Việt Nam

Theo đánh giá của đại diện Bộ Y tế, vệ sinh môi trường kém đang làm tăng chi phí cho công tác khám chữa bệnh, tiêu tốn mỗi năm khoảng 780 triệu USD, gây thiệt hại 1,3% GDP; ảnh hưởng tới sức khỏe cộng động, là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam lên đến 26%. Tổ chức Y tế Thế giới đã chứng minh, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có thể giảm được 32% bệnh tiêu chảy. Việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có thể cứu sống hơn 200.000 trẻ em trên thế giới. Các nước có tỷ lệ đi tiêu bừa bãi cao cũng là nước có số trẻ em dưới 5 tuổi bị chết và suy dinh dưỡng cao, tỷ lệ đói nghèo lớn.

Ðiều kiện vệ sinh kém, tỷ lệ mắc bệnh tăngCầu tiêu ao tại xã Vĩnh Hậu, An Giang.

Các tỉnh miền núi phía Bắc gặp nhiều cản trở về địa hình đồi núi, nhiều hộ gia đình thậm chí không có nước sử dụng, nhất là vào mùa khô, họ phải đi xa có khi đến vài km để ra suối tắm giặt, lấy những can nước về để nấu ăn. Do đó, việc xây nhà tiêu bền vững cũng như có điểm rửa tay với chất làm sạch là khó thực hiện. Thậm chí, có hộ đã được giúp xây nhà tiêu, nhưng vì nguyên nhân trên mà họ không sử dụng, vì vậy nhà tiêu bị xuống cấp do bỏ hoang, gia súc phá phách.

Trong khi đó, các tỉnh miền Tây sông nước như An Giang, Đồng Tháp, một số hộ dân nghèo sống trong những căn nhà tạm bợ trên sông, rạch, cho dù có muốn nhưng gia đình họ cũng khó mà xây nhà tiêu được. Một vài hộ sống bằng nhà sàn do đặc điểm vùng lũ, nên cần được giới thiệu loại nhà tiêu thích hợp hơn. Còn lại đa số các hộ gia đình có nhà ở dạng kiên cố, người dân rất ủng hộ xây nhà tiêu, ý thức được cải thiện rõ rệt nhưng gặp khó khăn vào mùa khô. Do vậy, việc đảm bảo tiêu chí có điểm rửa tay cũng rất khó khăn.

Trong những năm qua, UNICEF đã tổ chức Chương trình Vệ sinh tổng thể để giải quyết vấn đề này ở các địa phương thông qua việc cộng đồng tham gia vào việc đưa ra các giải pháp và đã giúp cho khoảng 26 triệu người của hơn 50 quốc gia bỏ thói quen đi đại tiện ra môi trường từ năm 2008.

Ở Việt Nam, UNICEF và Bộ Y tế đã phối hợp thực hiện từ năm 2009. Cho tới nay, chương trình đã được thực hiện ở hơn 900 bản làng thuộc 7 tỉnh ở Việt Nam. Chương trình đã đến được với 184.000 hộ gia đình ở vùng sâu vùng xa với hơn 220.000 trẻ em. Hơn 125 làng bản với số dân xấp xỉ 125.000 người đã được công nhận cộng đồng hoàn thành dứt điểm công trình vệ sinh hộ gia đình.

Xét về mặt chính sách và chiến lược, hoạt động này hướng tới cải thiện tình hình vệ sinh môi trường của các cộng đồng một cách bền vững, góp phần đạt được mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn 2012-2015; Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 và mục tiêu “Một Việt Nam không còn phóng uế bừa bãi” vào năm 2025.


Ý kiến của bạn