Hà Nội

Ðiều kiện để ký sinh trùng sốt rét phát triển trong cơ thể muỗi truyền bệnh

16-03-2013 02:14 | Tin nóng y tế
google news

Ký sinh trùng sốt rét muốn phát triển trong cơ thể muỗi để có thể đảm nhận được vai trò truyền bệnh sốt rét thường phải hội đủ các điều kiện tối thiểu như có sự hiện diện của loài muỗi truyền bệnh thuộc chi Anopheles, muỗi phải có tuổi thọ sống đủ lâu và nhiệt độ ngoài trời thích hợp để ký sinh trùng phát triển.

Ký sinh trùng sốt rét muốn phát triển trong cơ thể muỗi để có thể đảm nhận được vai trò truyền bệnh sốt rét thường phải hội đủ các điều kiện tối thiểu như có sự hiện diện của loài muỗi truyền bệnh thuộc chi Anopheles, muỗi phải có tuổi thọ sống đủ lâu và nhiệt độ ngoài trời thích hợp để ký sinh trùng phát triển.

Muỗi truyền bệnh sốt rét chủ yếu hiện nay tại nước ta đã được các nhà khoa học xác định có 3 loại là Anopheles dirus, Anopheles minimus và Anopheles epiroticus. Mỗi loài muỗi truyền bệnh có khả năng hoạt động tại các vùng miền khác nhau để đảm nhận vai trò truyền bệnh. Ngoài ra, các loài muỗi truyền bệnh cũng phải có khả năng sống đủ lâu để nang trứng (oocyste) của ký sinh trùng sốt rét có đủ thời gian phát triển thành thoa trùng (sporozoite); đồng thời phải có điều kiện nhiệt độ ngoài trời thích hợp với từng loại ký sinh trùng sốt rét để chúng phát triển như Plasmodium falciparum, Plasmodium malariae cần nhiệt độ tối thiểu lớn hơn 16oC; Plasmodium vivax cần nhiệt độ tối thiểu lớn hơn 14,5oC. Căn cứ vào đặc điểm này, các nhà khoa học đã lập ra được công thức tính thời gian hoàn thành giai đoạn phát triển hữu tính của từng loại ký sinh trùng sốt rét trong cơ thể muỗi truyền bệnh. Ở nhiệt độ trung bình ngoài trời 25oC, Plasmodium falciparum cần thời gian 12 ngày để phát triển, Plasmodium vivax cần thời gian 10 ngày để phát triển, Plasmodium malariae cần thời gian 16 ngày để phát triển.

Khi muỗi truyền bệnh Anopheles đốt máu bệnh nhân bị bệnh sốt rét hoặc người mang ký sinh trùng lạnh còn gọi là người lành mang ký sinh trùng sốt rét; nhiều thể loại của ký sinh trùng sốt rét trong máu người bệnh có khả năng bị muỗi hút vào dạ dày nhưng chỉ có thể giao bào của ký sinh trùng (gametocyste) phát triển được trong cơ thể muỗi truyền bệnh.

Tại dạ dày muỗi, giao bào cái (macrogametocyste) thu gọn nhân và nguyên sinh chất biến thành giao tử cái (macrogamete); giao tử đực (microgametocyste) phân chia nhân thành 8 mảnh, nguyên sinh chất tiếp tục được phân chia bám vào nhân thành các roi và tạo thành 8 giao tử đực (microgamete). Những giao tử đực bơi trong dạ dày muỗi để tìm đến giao tử cái và chui vào giao tử cái, tạo thành trứng thụ tinh (zygote). Trứng thụ tinh sau đó biến thành nang trùng (ookinete) có chiều dài khoảng 15µm. Nang trùng chui qua thành dạ dày muỗi, cuộn tròn lại dưới lớp thanh mạc ở thành ngoài dạ dày muỗi và biến thành nang trứng (oocyste) có đường kính khoảng từ 6 - 8µm. Nang trứng tiếp tục phát triển, lớn lên và có kích thước khoảng từ 40 - 60µm.

Nang trứng có thể có số lượng từ 1 nang trứng đến hàng trăm nang trứng. Chúng phân chia nhiều lần, tạo ra một số lượng lớn các thoa trùng (sporozoite); do có dạng hình thoi nên chúng được gọi là thoa trùng. Số lượng thoa trùng có thể lên đến hơn 1.000 con, mỗi thoa trùng có kích thước dài từ 11 - 15µm, rộng khoảng 1µm.

Khi nang trứng chín, chúng vỡ ra, giải phóng các thoa trùng và có khả năng đi khắp cơ thể muỗi truyền bệnh nhưng đa số tập trung vào tuyến nước bọt của muỗi. Thoa trùng có thể tồn tại trong cơ thể muỗi từ 1,5 - 2 tháng.

Khi muỗi Anopheles truyền bệnh có chứa thể thoa trùng của ký sinh trùng sốt rét đốt hút máu người lành, chúng sẽ truyền thể thoa trùng sang cho người lành để gây bệnh. Vào lúc đó, quá trình phát triển của ký sinh trùng sẽ bắt đầu một vòng đời mới với giai đoạn phát triển trong cơ thể người.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh    


Ý kiến của bạn