Chuyện khán giả bất ngờ đứng dậy... ra về khi một chương trình nào đó đang được ghi hình trực tiếp không còn là chuyện lạ. Đây là một hành động thẳng thắn, cho thấy nội dung chương trình quá dở hoặc khán giả không đồng tình với những điều “mắt thấy tai nghe”. Tuy vậy, có những sự ra về lại khiến người làm chương trình bức xúc và người ngoài cuộc cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm...
Vắng Sơn Tùng M-TP, những nghệ sĩ khác của The Remix cống hiến hết mình vẫn không thể níu chân khán giả.
The Remix - Hòa âm ánh sáng đêm thi thứ 5 bất ngờ thiếu vắng ca sĩ Sơn Tùng mà không có sự thông báo của Ban Tổ chức từ trước, khi chương trình đang diễn ra, nhiều khán giả đã đứng dậy ra về. Ai cũng biết rõ “sức nóng” của Sơn Tùng với chương trình The Remix là có thật. Anh còn được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho đơn vị sản xuất khi thu hút được lượng fan đông đảo theo dõi chương trình. Chính vì vậy, nguyên nhân phần nhiều là do The Remix thiếu đi nhân tố gây hot nên khán giả cũng không còn mấy hào hứng để nán lại xem kết quả cuối cùng. Vắng đi “thần tượng”, việc ai chiến thắng với không ít người chẳng còn quan trọng nữa.
Điều đó lý giải vì sao trong tất cả các chương trình giải trí, nghệ sĩ ngôi sao luôn được “ém” đến những phút cuối. Để được xem thần tượng của mình biểu diễn, khán giả buộc phải nán lại và ủng hộ những nghệ sĩ diễn trước một cách... miễn cưỡng. Đây là một thực tế mà những người làm chương trình giải trí phải chấp nhận. Một chương trình truyền hình trực tiếp mà Ban Tổ chức không mời được nghệ sĩ “đinh” thì đội ngũ nhân viên sẽ phải làm việc rất vất vả để níu chân khán giả.
Có thể nói, đêm thi thứ 5 của The Remix là một “tai nạn” để đời của những người thực hiện chương trình. Trách khán giả một phần, nhưng Ban Tổ chức cũng nên xem lại cách thức làm việc. Ngay từ đầu, The Remix đã nhắm vào Sơn Tùng để hút khán giả, đêm thi nào cũng vậy, Sơn Tùng xuất hiện như thể là một... “vơ đét”.
Tại một chương trình khác, sự ra về đột ngột của một nhóm nghệ sĩ cũng khiến công chúng bức xúc. Chuyện là, tại đêm trao giải Cánh diều 2014, Sơn Tùng M-TP cùng êkíp phim Chàng trai năm ấy rời khỏi sân khấu khi lễ trao giải vẫn đang diễn ra và được truyền sóng trực tiếp trên VTV9.
Những người chứng kiến cho biết, êkíp của phim Chàng trai năm ấy gồm Sơn Tùng M-TP, Hứa Vĩ Văn, Phạm Quỳnh Anh, Hary Lu, Ngô Kiến Huy và đạo diễn - nhạc sĩ Nguyễn Quang Huy đến tham dự Cánh diều 2014 khá muộn. Địa điểm tổ chức Lễ trao giải khá nhỏ so với lượng người đông đúc nên khi chương trình bắt đầu, các hàng ghế đã lấp kín. Đặc biệt, những hàng ghế trên cùng dành cho khách mời, nghệ sĩ không còn một chỗ trống vì để lên sóng cho đẹp “đội hình”, Ban Tổ chức sắp xếp khán giả ngồi lấp vào ghế trống. Chính vì vậy, khi êkíp của Sơn Tùng vào thì không tìm được chỗ ngồi trang trọng. Không tìm được chỗ ngồi ưng ý, Sơn Tùng và êkíp bỏ ra ngoài trước sự ngỡ ngàng của nhiều người có mặt. Một khán giả khác bày tỏ: “Thay vì thông cảm cho Ban Tổ chức, họ lại có hành động thiếu tôn trọng như vậy thật khó... hiểu. Hơn nữa, lỗi do họ tới trễ, vì Ban Tổ chức phải lấp đầy ghế cho việc ghi hình lên sóng”... Hành động này cũng bị những người chứng kiến và cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội. “Ghế đằng trước không còn nhưng ghế đằng sau vẫn trống vậy sao họ không thể ngồi? Phải chăng vì nghĩ mình phải ngồi ghế đầu, vị trí trang trọng mới chịu? Trong khi nhiều nghệ sĩ đến trễ vẫn ngồi phía sau theo dõi chương trình bình thường”. Cung cách ứng xử... gây sốc của êkíp phim Chàng trai năm ấy khiến ai nhìn thấy cũng khó chịu và lắc đầu. Phải chăng họ nghĩ họ nổi tiếng thì họ có quyền... chảnh?
Và phải thừa nhận thực tế rằng, sự “chảnh” hay cách hành xử kém văn hóa của người nghệ sĩ, dù ở đâu, trong vấn đề gì cũng không bao giờ được công chúng ủng hộ. Tất cả đều có cảm giác chung là ngán ngẩm!
Lâm Tùng