Chuẩn giáo dục phổ thông mới ở Nga sắp có hiệu lực. Đầu tiên, chuẩn sẽ được thí điểm ở một số trường, còn từ năm 2020, việc dạy học ở tất cả các trường phổ thông khắp cả nước sẽ được thực hiện theo chuẩn. Chúng ta hãy xem điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới việc dạy học môn văn và tiếng Nga.
Ở các lớp cuối cấp của nhà trường phổ thông Liên Xô cũ, thời lượng dành cho tiếng Nga là 1 tiết, văn là 3 tiết. Môn văn được chú ý nhiều hơn, nó trở thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc đối với tất cả học sinh trung học phổ thông.
Hiện nay, số tiết dành cho tiếng Nga và văn học vẫn như vậy. Thế nhưng học sinh không phải thi văn, mà thi quốc gia thống nhất tiếng Nga. Đó cũng là môn thi bắt buộc vào bất cứ trường đại học nào.
Những người phản đối việc nhập tiếng Nga và văn học thành một môn cho rằng điều đó sẽ giết chết văn học và đẩy nhanh quá trình ngu dân hóa. Những người xây dựng chuẩn mới, dựa vào kinh nghiệm quốc tế và vào môn “văn học” được giảng dạy trong các trường trung học ở nước Nga trước cách mạng. Số thứ ba thì cho rằng “nhập hay tách không có gì khác nhau, vì từ lâu môn văn trong nhà trường đã gặp tai họa. Và không phải bắt đầu ở các lớp cuối cấp”.
Trước đây, trong nhà trường phổ thông Liên Xô, môn văn bắt đầu được dạy riêng lớp 5. Việc kể lại và trả lời miệng các câu hỏi về nội dung tác phẩm rất được chú ý. Các em phân tích rất kỹ những vấn đề luân lý - đạo đức được đặt ra trong tác phẩm. Những bài hay được dùng làm mẫu. Tuy nhiên, phải đến năm lớp 8, các em mới viết những bài tập làm văn thực sự. Quan tâm tới việc học sinh đọc các tác phẩm trong chương trình, giáo viên thường xuyên ra bài kiểm tra viết về nội dung tác phẩm và bắt các em phát biểu nhiều trên các giờ học.
Còn hiện nay, yêu cầu đối với bài “tập làm văn” ở lớp 9 như sau: bài viết không quá 70 từ, trong đó học sinh cần nêu lên ý nghĩa của tiếng Nga, lấy hai dẫn chứng từ tác phẩm đã cho. Các em được dạy cách làm bài tập này theo mẫu. Không hề có lập luận, ý tưởng gì về tác phẩm đã đọc ở đây, mặc dù loại bài tập này có tên gọi rất kêu là “văn nghị luận”.
![]() Giờ học của học sinh phổ thông Nga. |
Trên thực tế, học sinh được yêu cầu làm một loại bài tập làm văn mi-ni nhằm phân tích ngôn ngữ của tác phẩm. Không hiểu nhà trường phổ thông cần điều đó làm gì. Trong khi đó, kỹ năng viết đơn, thư gửi cấp trên, báo cáo, công văn đúng văn phạm tiếng Nga, kỹ năng diễn đạt ý tưởng của mình bằng ngôn ngữ viết là những cái cần thiết cho tất cả mọi người. Chính bài tập làm văn cổ điển ở trường phổ thông cần chuẩn bị cho học sinh làm điều đó.
Đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, chương trình môn văn bắt đầu thay đổi. Lo lắng về việc học sinh ít đọc sách, những người biên soạn đưa vào chương trình nhiều tác phẩm hơn, kể cả các tác giả nước ngoài. Họ theo đuổi một mục đích cao cả: nếu học sinh không thích tự đọc sách thì cần phải bắt các em đọc ở trường.
Về sách giáo khoa, ta hãy lấy sách giáo khoa văn cũ của A. A. Zerchaninov và D. Ya. Raykhin năm 1966 và so sánh với sách giáo khoa hiện nay do V. Ya. Korovina chủ biên năm 2011.
Ví dụ, chương về nhà viết kịch Nga A. N. Ostrovsky. Trong sách giáo khoa thời Liên Xô, bài mở đầu về thân thế và sự nghiệp của tác giả chiếm 4 tờ in chữ nhỏ. Trong sách giáo khoa hiện nay, bài mở đầu về thân thế và sự nghiệp của tác giả chỉ chiếm 2 tờ in chữ to hơn.
Trong sách giáo khoa hiện nay, sau bài mở đầu, học sinh phải đọc vở kịch Nghèo không phải là tội, trả lời một số câu hỏi và chuẩn bị kể về nội dung của nó hay viết nhận xét về một trong các nhân vật. Không có một bài viết nào về vở kịch. Cứ thế về tất cả các nhà văn. Học sinh chưa kịp hiểu, cảm nhận bút pháp của tác giả, bàn luận về các nhân vật, tích lũy những cảm xúc nào đó thì đã chuyển sang phân tích nhà văn tiếp theo, nói gì đến việc tạo điều kiện cho các em phát biểu ý kiến của mình về những gì đã đọc.
Nói chung, học sinh không đọc tác phẩm hoặc đọc một cách hết sức tóm tắt, mặc dù có lẽ điều này còn tệ hơn là không đọc tác phẩm. Và tất nhiên, với cách học “phi nước đại” như vậy thì trong trí nhớ các em chẳng có gì lưu lại, thậm chí các em sẽ coi văn học như một môn học không cần thiết, không hiểu vì sao lại phải học.
Văn học là môn học, nơi học sinh được dạy cách diễn đạt ý nghĩ của mình bằng ngôn ngữ nói và viết, nơi phát triển ngôn ngữ và làm giàu vốn từ vựng, nơi diễn ra sự phát triển nhân cách mà hiện nay chúng ta đang thiếu. Sự phát triển tốt tiếng mẹ đẻ là cơ sở để lĩnh hội tất cả những môn học còn lại. Thật đáng tiếc, dưới thời Xô viết, người ta nhận thức được điều đó, còn hiện nay thì không.
Trần Hậu (Theo báo Nga)