Đơn cử như Indonesia đang trong lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 65; Malaysia điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 tuổi; Hàn Quốc dự kiến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 tuổi vào năm 2034...
Từ bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với các yếu tố: Tăng trưởng kinh tế với giải quyết bài toán về việc làm và thất nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất; quy mô, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới; cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số, tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Cần có tầm nhìn dài hạn trong điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, thực hiện sớm, tiến hành khẩn trương theo lộ trình và không gây sốc cho thị trường lao động.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết thêm, Việt Nam đã bước qua thời kỳ dân số vàng, tiến trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Nhiều chuyên gia lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai không xa của nước ta nếu không có tính toán và điều chỉnh tuổi nghỉ hưu kịp thời. Bởi theo dự báo, nếu như năm 2015, cứ 6 người trong độ tuổi lao động có 1 người cao tuổi thì đến năm 2055, cứ 2 người trong độ tuổi lao động sẽ có 1 người cao tuổi. Năm 2000, số người bước vào độ tuổi lao động của nước ta gấp 3,4 lần số người ra khỏi tuổi lao động, nhưng đến năm 2017, con số này chỉ còn gấp 1,36 lần và dự kiến vào năm 2035, chỉ còn gấp 1,2 lần.
Ông Diệp cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với các yếu tố đó là: tăng trưởng kinh tế với giải quyết bài toán về việc làm và thất nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất; quy mô, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới; cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số, tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Như vậy, chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn trong điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, thực hiện sớm, tiến hành khẩn trương theo lộ trình và không gây sốc cho thị trường lao động.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, tuổi nghỉ hưu của nước ta không thay đổi, kể từ khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam dưới 50 và đến nay là 74 tuổi.
Trước những ý kiến cho rằng cùng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ đẩy lực lượng lao động trẻ vào tình trạng thiếu việc làm. Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi khẳng định, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ, bởi đào tạo lao động hiện nay khác với đào tạo thời kỳ bao cấp. Thời bao cấp, đào tạo và phân bổ lao động theo kế hoạch. Còn hiện nay, đào tạo theo nhu cầu thị trường, lao động giỏi luôn có cơ hội việc làm tốt.
“Việc nâng tuổi hưu đồng nghĩa với việc người lao động phải đóng tiền BHXH cao, làm cho quỹ lương hưu an toàn, có thể trả cho người lao động đến khi chết và tiền lương hưu khi đó cao hơn, đảm bảo chi tiêu cuộc sống tốt hơn cho người về hưu. Không phải vì lo “vỡ quỹ” nên phải tính chuyện tăng tuổi nghỉ hưu bởi hiện Nhà nước vẫn đang bảo hộ chính sách BHXH. Thậm chí, Nhà nước còn có chính sách nâng lương hưu để bù đắp trượt giá”, TS. Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Phương án 1: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62, mỗi năm tăng 6 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60.
Phương án 2: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62, mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60.