Trong đó, vấn đề dùng thuốc là không thể thiếu. Vậy khi dùng thuốc trị trầm cảm cần lưu ý gì nhằm tránh tác dụng phụ và mang lại hiệu quả cho bệnh nhân.
Nguyên tắc điều trị
Trước hết, phải phát hiện được sớm, chính xác các trạng thái khác nhau của trầm cảm (kể cả trầm cảm nhẹ, trầm cảm che đậy) và xác định được mức độ trầm cảm hiện có ở người bệnh (nhẹ, trung bình hay nặng).
Phải xác định rõ nguyên nhân trầm cảm để sử dụng đúng phác đồ điều trị:
Nếu là trầm cảm nội sinh, chủ yếu điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, kết hợp thuốc giải lo âu, các thuốc hỗ trợ (như vitamin, thuốc bổ...) và liệu pháp tâm lý phối hợp.
Trầm cảm do căn nguyên tâm lý việc điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý kết hợp thuốc chống trầm cảm, giải lo âu và các thuốc hỗ trợ khác, nhất là bổ sung vitamin và chất khoáng. Chính các vi chất này có vai trò nâng đỡ cơ thể chống chịu với stress rất tốt.
Trầm cảm do bệnh thực tổn ở não cần điều trị triệt để nguyên nhân (như điều trị viêm não, mổ cắt u não, hút máu tụ trong sọ não...) kết hợp thuốc chống trầm cảm, giải lo âu và các thuốc hỗ trợ khác.
Trầm cảm do sử dụng chất gây nghiện, các chất tác động tâm thần khác thì cần điều trị cai nghiện, sau đó kết hợp thuốc chống trầm cảm, giải lo âu, thuốc hỗ trợ. Đặc biệt trong điều trị loạn thần do rượu, sau giai đoạn cai nghiện là phải kết hợp điều trị chống trầm cảm, liệu pháp vitamin....
Người bệnh cần kiên trì tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Các thuốc trị
Các thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay là loại thuốc chống trầm cảm ba vòng và loại thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI). Thuốc thường phát huy tác dụng chậm, thường là sau khoảng hai tuần mới có tác dụng, trừ một số loại nhanh là sau một tuần. Vì vậy, điều trị trầm cảm bằng thuốc phải kiên trì, đặc biệt là trong 1, 2 tuần đầu. Rất nhiều người bệnh khi thấy uống thuốc khoảng một tuần mà các triệu chứng chưa được cải thiện hoặc gặp phải tác dụng phụ, nên bỏ thuốc và không điều trị tiếp, chính điều này khiến bệnh không khỏi và diễn biến bệnh phức tạp hơn.
Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc chống trầm cảm ba vòng là có thể gây rối loạn nhịp tim, khô miệng, táo bón, bí tiểu, rối loạn tình dục và người bệnh có thể có xuất hiện biểu hiện nhìn mờ. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng an thần, gây ngủ. Đây là một tác dụng phụ nhưng lại có lợi vì hầu hết bệnh nhân trầm cảm bị mất ngủ.
Thuốc chống trầm cảm SSRI là những thuốc mới, ít tác dụng phụ hơn đối với hệ tim mạch. Tuy nhiên cũng có những tác dụng phụ hay gặp cần phải lưu ý là gây tăng cân, đặc biệt là đối với phụ nữ. Thuốc còn có tác dụng trên tình dục, làm mất khả năng cương cứng, làm giảm khả năng tình dục đối với cả bệnh nhân nam và nữ. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân thường bỏ điều trị. Khi gặp các tác dụng phụ này, người bệnh phải đến bác sĩ điều trị khám lại và sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách xử lý tác dụng phụ này.
Hiện nay có nhiều loại thuốc chữa bệnh trầm cảm khác nhau, trong đó các loại thuốc an thần cũng giúp người bệnh giảm nguy cơ bị kích động. Tuy nhiên, bệnh nhân phải đến đúng chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần để bác sĩ khám và kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý cụ thể, sẽ giúp việc sử dụng thuốc an toàn và hạn chế các tác dụng phụ bất lợi.
Những lưu ý khi dùng thuốc
Người bệnh cần tuân thủ y lệnh của bác sĩ về liều lượng và dùng đủ thời gian để đảm bảo bệnh thuyên giảm, hạn chế thấp nhất nguy cơ tái phát.
Để đạt được mục đích điều trị, người bệnh cần dùng thuốc liên tục từ 4 - 6 tháng; Tái khám theo lịch hẹn và chỉ ngừng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Khi ngừng thuốc phải giảm từ từ tránh bệnh tái phát. Điều này sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách giảm liều.
Cần thay đổi lối sống, giảm căng thẳng trong công việc; Trung thực khi điều trị bệnh, không bao giờ tuyệt vọng.
Người thân và những người xung quanh cần luôn quan tâm chia sẻ và động viên bệnh nhân. Không kỳ thị với các bệnh lý về tâm thần thì mới có thể chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tốt được.
Đối với bác sĩ, khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc chống trầm cảm mà không đạt được kết quả, cần xem xét các yếu tố sau: Chẩn đoán trầm cảm có đúng hay không? Có bỏ sót các triệu chứng loạn thần đi kèm theo hay không? Chọn nhóm thuốc, loại thuốc, liều lượng có phù hợp hay không? Thời gian điều trị đã đạt chưa? Bệnh nhân có tuân thủ điều trị của bác sĩ hay không? Có các bệnh lý cơ thể, tâm thần kèm theo? Có lạm dụng rượu hoặc ma túy hay không?...