Hà Nội

Ðiều cần lưu ý cho người đặt ống thông bàng quang

21-02-2020 12:27 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Ông nội tôi đang phải dẫn lưu bàng quang trên xương mu. Nhưng khi về nhà ông thường bị viêm, có lần đái ra máu, một lần nhiễm khuẩn huyết phải nhập viện. Xin hỏi, chăm sóc người bệnh như ông tôi cần lưu ý gì?

Nguyên Hoa (Hà Nội)

Do nguy cơ nhiễm khuẩn cao ở người bệnh được đặt ống thông bàng quang nên người bệnh cần được bác sĩ giải thích rõ trước khi ra viện. Trong thời gian ở nhà có mang theo thông tiểu, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân phải hiểu biết để tự phục vụ mình. Các lưu ý quan trọng sau đây:

Túi hứng nước tiểu phải vô trùng. Cần tuân thủ một số quy tắc sau: Cần giữ cho nước tiểu thông tốt, không nên tháo bỏ ống dẫn một cách không vô trùng, thường xuyên xả hết nước tiểu trong túi chứa. Hạn chế tối thiểu việc tháo rời ống. Khi ống thông bị tắc, bệnh nhân sẽ bị đau tức vùng bụng dưới và có hiện tượng nước tiểu rỉ quanh ống thông. Khi đó cần bơm rửa bàng quang qua ống thông bằng bơm tiêm và uống nhiều nước. Nếu ống thông vẫn bị tắc, cần thay ống thông mới. Những việc này phải được thực hiện bởi nhân viên y tế và chỉ định của bác sĩ.

Có thể thực hiện tại nhà hoặc tại bệnh viện. Nếu nhiễm trùng nước tiểu, bệnh nhân có thể có triệu chứng như sốt, đau bụng dưới, rét run, nước tiểu đục..., cần phải khám và điều trị ngay. Cần uống nhiều nước để đạt khoảng 2l nước tiểu/ngày. Cần giữ vệ sinh hàng ngày tránh để nhiễm trùng vết mổ. Thay băng, sát khuẩn hàng ngày. Để phòng ngừa teo bàng quang, nếu không cần theo dõi nước tiểu mỗi giờ, nên kẹp dây dẫn nước tiểu và xả ra mỗi 3 giờ/1 lần hoặc khi bệnh nhân có cảm giác buồn đi tiểu để tập cho bàng quang hoạt động. Và cuối cùng là phải thay ống thông mỗi tháng 1 lần.


BS. Lê Sĩ Trung
Ý kiến của bạn