Hà Nội

Ðiều cần biết về thay khớp háng

29-09-2019 07:22 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Phẫu thuật thay khớp háng ngày càng phổ biến và đang được xếp hạng là loại phẫu thuật đặc biệt tại các bệnh viện lớn, các trung tâm chấn thương chỉnh hình.

Phẫu thuật thay khớp háng bao gồm lấy bỏ phần chỏm của xương đùi, ổ cối của xương chậu (thay khớp toàn phần) và được thay thế bằng các vật liệu nhân tạo. Sau mổ, bệnh nhân đỡ đau, cải thiện tình trạng vận động của khớp.

Thời kỳ đầu, chỉ định phẫu thuật thay khớp háng còn khá hạn chế, chủ yếu tập trung ở những bệnh nhân trên 65 tuổi, viêm khớp háng có đau nhiều, suy giảm chức năng khớp nghiêm trọng, điều trị bằng thuốc không cải thiện. Ngày nay, với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ chất liệu, kỹ thuật chế tạo sản xuất khớp nhân tạo, độ bền của khớp ngày càng được nâng cao, kỹ thuật mổ ngày càng được hoàn thiện, do vậy, chỉ định thay khớp háng có xu hướng được mở rộng hơn.

Những tổn thương, bệnh lý nào của khớp háng có nguy cơ phải thay khớp?

Một số tổn thương, bệnh lý của khớp háng có thể được chỉ định phẫu thuật thay khớp như:

Viêm khớp: Gồm  viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp.

Bệnh thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp nguyên phát và  thoái hóa khớp thứ phát sau: Gãy ổ cối do chấn thương; Trật khớp háng bẩm sinh hoặc thiểu sản khớp; Trật khớp háng do chấn thương; Bệnh Legg-Perthes-Calve; Bệnh paget; Bệnh Hemophilia.

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi liên quan đến: Sau chấn thương hoặc trật khớp; Hoại tử vô căn; Bệnh hồng cầu hình liềm; Có bệnh lý về thận; Sử dụng corticoid liều cao; Người lạm dụng bia, rượu; Người bị bệnh lupus ban đỏ...

Viêm mủ khớp háng hoặc cốt tủy viêm do đường máu hoặc sau chấn thương, sau khi điều trị ổn định, hết vi khuẩn.

Lao khớp háng đã ổn định

Bán trật hoặc trật khớp háng bẩm sinh

Ðiều cần biết về thay khớp hángPhẫu thuật thay khớp háng nhân tạo có nhiều tiến bộ.

Khớp giả cổ xương đùi

Thất bại sau tạo hình khớp háng: Sửa trục xương; Tạo hình ổ cối; Sau thay chỏm; Sau cắt tạo hình cổ; Sau thay khớp háng toàn phần;

U vùng cổ, chỏm xương đùi hoặc ổ cối

Các rối loạn khớp háng di truyền

Trước đây, tuổi chỉ định thay khớp háng thường từ 65-70. Từ những năm 1990s, tuổi chỉ định được mở rộng hơn. Một báo cáo của Brander khi thay khớp háng cho 99 bệnh nhân trên 80 tuổi và già hơn thấy rằng, tỷ lệ gặp biến chứng và thời gian nằm viện không có sự khác biệt so với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, kết quả cải thiện chức năng khớp sau mổ là như nhau. Qua đó, Brander cho rằng, tuổi cao không phải là một chống chỉ định của phẫu thuật thay khớp háng. Kết quả kém ở nhóm bệnh nhân cao tuổi dường như liên quan nhiều đến các bệnh lý đi kèm chứ không phải là tuổi.

Phẫu thuật thay khớp háng thông thường

Phẫu thuật thay khớp háng thông thường được tiến hành bằng một đường rạch da khoảng 10-12cm bên cạnh khớp háng. Các cơ được tách và cắt bỏ một phần chỗ bám vừa đủ cùng bao khớp để làm trật khớp. Sau khi tách rộng phần mềm, toàn bộ các diện khớp được bộc lộ. Phẫu thuật viên sẽ lần lượt lấy bỏ chỏm của xương đùi, lấy hết sụn, doa ổ cối đến xương lành. Cup được đóng chặt vào ổ cối và được cố định bằng 2-3 vít. Một lót bằng nhựa cao phân tử (polyethylene) có bề mặt nhẵn được gắn chặt vào cup giúp khớp chuyển động tự do. Tiếp theo phần ống tủy xương đùi được doa rộng. Một chuôi khớp có gắn chỏm bằng hợp kim đóng chặt vào ống tủy. Trong trường hợp thay khớp có xi-măng, xi-măng được bơm vào giữa xương và kim loại (cup và chuôi khớp) giúp giữ khớp nằm vững cạnh xương. Sau khi khớp được nắn lại, chỏm kim loại chuyển động tự do trong lớp lót nhựa cao phân tử. Bao khớp, cơ và da cân được khâu phục hồi.

Phẫu thuật thay khớp háng ít xâm lấn

Thay khớp háng ít xâm lấn được các phẫu thuật viên tiến hành bằng 1 hoặc 2 đường rạch da nhỏ hơn. Những bệnh nhân còn trẻ, thể trạng không mập, khỏe mạnh, mong muốn nhanh chóng phục hồi có thể áp dụng kỹ thuật này. Ưu điểm của kỹ thuật ít xâm lấn là vết mổ nhỏ hơn, thẩm mỹ hơn và phục hồi sau mổ nhanh hơn. Tuy nhiên, để thực hiện kỹ thuật này, phẫu thuật viên và êkíp mổ phải có kinh nghiệm và có đủ dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng.

Lưu ý:

Kiểu loại khớp háng nhân tạo được sử dụng giống như thay khớp háng thông thường. Tuy nhiên, cần có dụng cụ chuyên biệt trong quá trình bộc lộ khớp và cắt các phần của khớp.

Các bước tiến hành phẫu thuật thay khớp háng ít xâm lấn giống như thay khớp háng thông thường nhưng quá trình cắt rạch phần mềm được hạn chế hơn. Nếu sử dụng một đường rạch da, đường rạch thường dài khoảng 6-7cm tùy theo độ khó và kích thước người bệnh. Nếu sử dụng hai đường rạch thì kích thước mỗi đường khoảng 4cm (phía trên) và 6cm (phía dưới).

Thay khớp háng ít xâm lấn bảo tồn phần mềm tốt hơn nên phục hồi nhanh hơn, nguy cơ trật khớp háng sau mổ thấp hơn. Tuy nhiên, thời gian mổ có thể kéo dài hơn phẫu thuật thông thường, phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm.


TS.BS. Dương Đình Toàn
Ý kiến của bạn