Ðiều cần biết khi dùng thuốc long đờm

16-07-2019 15:06 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bromhexin là một trong những loại thuốc long đờm (tiêu đờm) được chỉ định dùng trong các trường hợp rối loạn tiết dịch phế quản nhất là trong viêm phế quản cấp tính, đợt cấp tính của viêm phế quản mạn tính.

Bromhexin là một trong những loại thuốc long đờm (tiêu đờm) được chỉ định dùng trong các trường hợp rối loạn tiết dịch phế quản nhất là trong viêm phế quản cấp tính, đợt cấp tính của viêm phế quản mạn tính. Khi uống, thuốc có tác dụng làm đờm lỏng hơn và ít quánh hơn nên làm đờm từ phế quản thoát ra ngoài có hiệu quả. Đối với dạng uống thường phải sau 2-3 ngày mới có biểu hiện tác dụng trên lâm sàng nhưng nếu tiêm chỉ sau khoảng 15 phút.

Tuy nhiên, khi dùng thuốc này cần tránh phối hợp với thuốc ho vì có nguy cơ ứ đọng đờm ở đường hô hấp. Do tác dụng làm tiêu dịch nhầy của bromhexin nên thuốc có thể gây hủy hoại hàng rào niêm mạc dạ dày, vì vậy khi dùng cho người bệnh có tiền sử loét dạ dày phải thận trọng. Cần lưu ý khi dùng cho người bệnh hen (vì thuốc có thể gây co thắt phế quản ở một số người dễ mẫn cảm), người cao tuổi hoặc suy nhược quá yếu không có khả năng khạc đờm có hiệu quả (sẽ càng gây tăng ứ đờm). Thời gian điều trị không được kéo dài quá 8-10 ngày nếu chưa có ý kiến của thầy thuốc.

Khi phối hợp với kháng sinh (amoxicillin, cefuroxim, erythomycin, doxycylin) thuốc sẽ làm tăng nồng độ kháng sinh vào mô phổi và phế quản. Như vậy, bromhexin có thể có tác dụng như một thuốc bổ trợ trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, làm tăng tác dụng của kháng sinh.


BS. Nguyễn Bích Ngọc
Ý kiến của bạn