Ðiều bình thường và kỳ lạ của đôi mắt

19-02-2018 09:38 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đôi mắt em ngây thơ không có tuổi

Cho anh ấm tình những buổi chiều đông

Ánh mắt em như ngọn lửa rực hồng

Sưởi cho anh được ấm lòng đêm lạnh

(Thơ Nguyễn Đình Huân)

Trái tim, đôi mắt… - những danh từ đã thoát khỏi giải phẫu thông thường, gắn liền với bản ngã con người, chỉ loài người mới có. Mặc dù chỉ là quả cơ bơm máu nhưng ai cũng nghĩ là tâm hồn, tình cảm chứa cả trong trái tim. Đôi mắt cũng vậy, khối tròn vo trong suốt ấy sao lại quá đỗi con người, những ái ố hỉ nộ chứa cả trong đó.

Đôi mắt soi thấu tâm hồn

Chưa ai phân tích được mắt trẻ con sao lại trong sáng và đầy sinh lực thế còn mắt người sắp lìa trần sao lại buồn thảm và mờ đục thế? Người thầy dạy mắt của tôi dịch tiếng Pháp thật hay: “Cửa đời một màn kéo, tình người đôi mắt ngân”. Cái nhắm mắt nghĩa là vĩnh biệt cuộc đời, nhưng tình người, hồn người mãi còn lưu lại với đôi mắt. Thật kỳ lạ! Kẻ gian, người hiền, đấng anh minh, phận đần độn cũng dễ dàng phán xét qua đôi mắt. Những người xem tướng, nhà điều tra, tâm lý học, khám bệnh thời xưa… đều dựa vào đôi mắt mà đưa ra luận chứng phục vụ công việc của mình. Ánh mắt làm mềm súng gươm, tan chảy cái ác, là chủ đề của bao nhiêu thơ ca. Là bác sĩ mắt nhưng thỉnh thoảng có những đôi mắt đẹp cũng làm tôi thẫn thờ. Mắt của người phương Tây to và xanh mát, khi dùng máy sinh hiển vi bạn có thể cảm giác rơi tõm vào trong mắt họ, tôi chợt bật cười khi nhớ câu ví “Mắt em là đồng cỏ xanh mà tôi ước gì là con bò lang thang gặm cỏ”. Chẳng rõ phức hợp gì từ nhãn cầu tạo ra hồn, nhân cách, biểu cảm của chủ nhân của nó.

Khi bác sĩ nhãn khoa soi cặp kính “giải phẫu” cho đôi mắt

Bắt đầu từ phần ngoài xung quanh mắt là lông mi, lông mày. Tuy chỉ có chức năng khiêm tốn là chắn bụi, chắn mồ hôi nhưng 100 chiếc lông mi và hai hàng lông mày cũng bị các mầm bệnh tấn công thường xuyên. Các bệnh da liễu, bệnh hệ thống gây ảnh hưởng rất nhiều cho lông mi, lông mày. Các thầy ngày xưa đã khuyên ta khám lông - tóc - móng ở phần khám toàn thân có lẽ cũng vì vậy. Lông mi còn bị các ký sinh trùng làm nơi tá túc, rất khó chẩn đoán và điều trị. Nấm, demodex tạo nên thay đổi rõ rệt của lông mi và chân lông  mi nhưng rận mi là hình ảnh hãi hùng với bác sĩ mắt. Trứng rận mi đẻ dọc lông mi như những quả đu đủ trên thân cây. Cứ một đoạn lông mi lại có con rận mi ôm lông mi hút máu như cô gái leo dừa. Bệnh phong làm rụng sạch lông mi, lông mày cũng là hình ảnh khó quên.

Sâu hơn một chút là lòng đen - giác mạc, cửa ngõ của cửa sổ tâm hồn. Cấu trúc không có mạch máu và trong suốt. Có hai điều lạ ở đây. Về nguyên tắc là giống như tóc và răng sẽ không có ung thư giác mạc…, thế nhưng sự thật lại là có. Ung thư giác mạc bào là bệnh có thật, nhưng thật may là điều trị được và ít nguy hiểm tới tính mạng.

Còn ở phần rìa của giác mạc có một lớp tổ chức đặc biệt là tế bào nguồn (tế bào mầm) đang là vấn đề thời sự của ngành y. Lớp này có thể biệt hóa thành tế bào giác mạc, cũng có thể thành kết mạc, tùy cơ thể điều động. Đáng tiếc nó chưa phải là tế bào nguồn đa nhiệm, vì vậy không thể nuôi cấy hay chiết xuất ra sản phẩm điều trị các bệnh thiếu hụt tế bào khác trên mắt như bệnh võng mạc sắc tố, thoái hóa hoàng điểm…

Mống mắt ở ngay sau giác mạc có cấu trúc như một hoành chắn ngang màu sắc tùy theo chủng tộc, ở giữa là con ngươi - lỗ đồng tử. Không phải chỉ ở trong phim giả tưởng mà sự thật là mống mắt không ai giống ai nếu soi bằng hiển vi phóng đại. Vân tay có thể trùng hay bị làm giả nhưng mống mắt thì không thể. Điều này đã dẫn tới các nhà nhân chủng học, hình sự, nhận dạng sân bay đã quyết định scan mống mắt để xác định nhân thân thay thế dần cho lấy dấu vân tay.

Hắc mạc, võng mạc là màng nuôi dưỡng và màng thần kinh ở mắt có một bản chất đáng buồn là quá nhạy cảm, không thể tái tạo và thay thế. Bệnh học, chấn thương ở đây gây giảm thị lực tồi tệ. Mô bị mất đi vĩnh viễn, lớp đệm và sẹo được sản sinh ra sau đó không hề có chức năng gì so với thủy tổ của nó. Võng mạc nhân tạo hay tế bào gốc là những khát khao của nhiều nhóm nghiên cứu trên toàn cầu. Đáng tiếc là chưa có giải pháp nào tạm chấp nhận được.

Và nỗi buồn mang tên nhãn khoa

Nhiều người cũng quên là não bộ, đoạn thần kinh nối từ mắt lên não cũng lắm bệnh tật, chấn thương. Cũng nghiệt ngã như mô não, đã mất đi, đã làm sẹo là đồng nghĩa với mất chức năng. Vẫn chưa có phương pháp điều trị như di chứng viêm não, chấn thương não và thị thần kinh, u não và tăng áp lực nội sọ. Nhen nhóm chút ít hy vọng là nhóm nghiên cứu về mắt sinh học ảo hay bionic eye, nhóm nghiên cứu camera thay cho nhãn cầu và chuyển thẳng tín hiệu lên não. Thị lực đem lại dù chỉ là đủ để tránh va đập khi đi lại cũng vẫn khó khăn. Những nỗ lực của y sinh được gọi là có tiến bộ nhưng vẫn còn xa lạ với cái bệnh nhân cần. Không chỉ có vậy, cũng như các chuyên ngành khác, ngành mắt có những khổ tâm và xấu hổ riêng của mình. Chúng ta có vô số thuốc men, máy móc phẫu thuật hiện đại, kỹ thuật mổ tinh xảo nhưng có những bệnh tật vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Ngứa mắt - cái đơn giản ấy mà ngành mắt cũng chỉ giúp bệnh nhân dễ chịu hơn, chung sống hòa bình mà thôi. Hiếm thấy ai thoát khỏi ngứa vĩnh viễn. Các bệnh lý mới cũng du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam và sẽ là thách thức lâu dài với chúng tôi: thoái hóa các dạng, viêm nhiễm dạng rối loạn miễn dịch, khô mắt, rối loạn chuyển hóa…

Bật mí những chiêu trò ảo thuật trên đôi mắt

Năm mới không thể không nói chuyện vui. Những chiêu trò giật gân trên mạng: phụt nước mắt vài mét, mắt tự nhiên chảy máu, kéo ôtô bằng giác hút ở mi… theo tôi là có thể giải thích được bằng vốn hiểu biết về giải phẫu và sinh lý mắt. Đường dẫn nước mắt thông với mũi họng nên người ta có thể hút nước, tạo áp lực mạnh, đưa nước phun ngược qua lỗ lệ. Một số u vùng túi lệ, sỏi túi lệ có thể gây chảy máu mắt chứ không phải thần linh. Dạng cầu của mi với các túi cùng có thể là chỗ bám tốt của giác hút, chịu lực co kéo khỏe, kéo ôtô cũng được. Tuy nhiên, tôi sẽ không áp dụng những hiểu biết trên thực hành vào đôi mắt của mình.


TS.BS. Hoàng Cương
Ý kiến của bạn