- Mùa hạ 1953, tướng Navarre đưa ra kế hoạch “kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Tình báo Liên Xô bắt được kế hoạch của Pháp, bèn chuyển cho Việt Nam qua tình báo Trung Quốc. Võ Nguyên Giáp cho biết, Chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP) là do Hồ Chí Minh đề ra. Cụ Hồ rất hiểu biết quân sự (những năm 1924-1927, Cụ dạy ở trường Hoàng Phố tại Quảng Châu, phiên dịch cho các chuyên gia quân sự Nga và Bộ Chính trị Trung Quốc lên lớp). Theo Võ Nguyên Giáp, 4 ủy viên Bộ Chính trị của ta họp vào tháng 10/1953 để bàn về cách đối phó với kế hoạch Navarre. Hồ Chủ tịch phát biểu: địch tập trung lực lượng đánh ta, ta phân tán nó. Hồ Chủ tịch vạch ra 5 hướng đánh cho Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954: Giải phóng Lai Châu và Bắc Lào, cùng Pathét Lào chiếm Trung Lào, đánh nhỏ ở Trung Tây Nguyên để phân tán Pháp thực hiện chiến dịch Atlante, ta sẽ tăng cường đánh du kích khắp nơi. Khi lực lượng địch phân tán rồi, ta sẽ đánh một trận lớn ở đâu đó tại rừng núi Tây Bắc thuận lợi cho ta. Ước tính của Hồ Chủ tịch đã được tướng Navarre “thực hiện đúng như vậy”, dẫn đến Điện Biên Phủ.
Việt Nam tấn công, Navarre phân tán lực lượng đối phó. Việt Nam và Pathét Lào chiếm Phong Sa Lì và Attope. Việt Nam đánh các đồn Pháp ở Trung bộ, chiến dịch Atlante phải chấm dứt. Navarre phải chọn một địa điểm để đánh ta và ngày 19 và 22/11/1953, chiếm Điện Biên Phủ.
Phía Việt Nam chấp nhận thử thách. Tháng 12, Hồ Chủ tịch báo cáo với Quốc hội về mục đối ngoại, ông nhắc đến chiến tranh ở Triều Tiên: đây là lần đầu tiên Mỹ thua, Mỹ gây chiến để mong làm chủ thế giới, mục tiêu ưu tiên của Pháp là dùng người Việt đánh người Việt, dùng chiến tranh nuôi chiến tranh. Mỹ buộc Pháp thành lập chính quyền bù nhìn, đặt kế hoạch từng bước thay Pháp...
Trước khi lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp lên gặp Hồ Chủ tịch ở Chiến khu Việt Bắc để xin chỉ thị, Hồ Chủ tịch dặn: “Trận đánh này quyết liệt, ta chỉ được thắng, nếu không thắng thì đừng đánh!”.
Thời điểm tấn công Điện Biên Phủ là 17 giờ ngày 25/1/1954, chiến dịch sẽ kết thúc sau 3 đêm 2 ngày. Tới trận địa, Võ Nguyên Giáp kiểm tra, thấy còn nhiều thiếu sót. Trong khi đó, các sĩ quan ủng hộ kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh và bộ đội được động viên rất hào hứng mong đánh ngay.
Do địch biết giờ ta tấn công, ông Giáp cho lui lại 24 tiếng. Ông nhận ra pháo binh của mình vừa lộ thiên vừa thiếu. Ông quyết định theo kế hoạch đánh chắc, tiến chắc. Ông tìm cách thuyết phục cố vấn Trung Quốc là Wei Quoquing. Không thấy Bắc Kinh trả lời, ông nhận trách nhiệm tự quyết định. Ông đề nghị Quân ủy Mặt trận mà ông là một ủy viên cho ý kiến, cả 3 vị còn lại trong Quân ủy đều không tán thành: Lê Liêm (phụ trách chính trị): “Quân đội sốt ruột đợi tấn công, tất cả đã được sắp đặt đâu vào đấy!”. Đặng Kim Giang (hậu cần): “Vì công tác hậu cần vô cùng khó khăn, không đánh còn đợi bao giờ”. Hoàng Văn Thái (Tổng tham mưu trưởng): “Ta có lợi thế đánh bất ngờ. Và lần đầu ta có pháo 105 ly và cao xạ tối tân...”. Thảo luận mãi không dứt điểm, Võ Nguyên Giáp nhắc lại lời Cụ Hồ dặn: Có chắc thắng 100% hãy đánh. Không ai dám quyết định 100%, nên kế hoạch ông Giáp được thông qua.
Kế hoạch mới “đánh chắc, ăn chắc dựa vào tổng lực toàn dân. Kéo pháo xuống, đào hầm, huy động 35.000 dân công chở 27.400 tấn gạo từ Thanh Hóa đến Điện Biên Phủ, vượt qua 600km bằng xe đạp thồ... Pháo và cao xạ được bảo vệ vững chắc. Sư đoàn 308 từ Lào lộn về. Pháo địch bị tiêu diệt, không quân địch không tiếp tế được, các cứ điểm lần lượt bị chiếm, ngày 7/5/1954, tướng De Castries đầu hàng.
Trong cuộc họp tổng kết trận Điện Biên Phủ 28/7/1954, Võ Nguyên Giáp nhận định: Đế quốc Mỹ chịu 80% chi phí quân sự cho Pháp trong chiến tranh Đông Dương nên chiến lược của Mỹ là: Sau kết thúc thắng lợi, Mỹ sẽ biến Đông Dương thành căn cứ quân sự Mỹ, sẽ sử dụng Điện Biên Phủ thành căn cứ không quân chủ yếu ở Đông Nam Á để có thể kiểm soát được Bắc Việt Nam và Bắc Lào, đe dọa Hoa Nam.
Mấy năm sau, ông Giáp kết thúc tập hồi ký của ông: Việt Nam muốn thúc đẩy hòa bình thống nhất, nhưng tổng tuyển cử và một số điều thuộc Hiệp định Genève không được thực hiện. Nhân dân Việt Nam lại phải chuẩn bị một giai đoạn mới cho cuộc đấu tranh trường kỳ vì Độc lập và Thống nhất, cuộc trường chinh mới sẽ gian khổ hơn cuộc vừa kết thúc. Về ảnh hưởng quốc tế của Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xác định: “Điện Biên Phủ gióng lên tiếng chuông báo tử chủ nghĩa thực dân trên phạm vi thế giới!”.
Hữu Ngọc