Ðiện Biên, mùa nắng mới

13-07-2013 16:35 | Thời sự
google news

Trong chuyến công tác mới đây tại Điện Biên thật phấn khởi khi nhận thấy những thay đổi rõ rệt trong nhận thức, thái độ đối với người nhiễm HIV; vai trò trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là kết quả khống chế sự gia tăng HIV của tỉnh...

Trong chuyến công tác mới đây tại Điện Biên thật phấn khởi khi nhận thấy những thay đổi rõ rệt trong nhận thức, thái độ đối với người nhiễm HIV; vai trò trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là kết quả khống chế sự gia tăng HIV của tỉnh...

Những đổi thay…

Trước năm 2007, Văn phòng Thường trực phòng, chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, hầu hết chỉ triển khai các hoạt động tham mưu văn bản và truyền thông trong Tháng hành động Phòng, chống HIV/AIDS nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12 hàng năm. Từ khi thành lập Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai đồng bộ các hoạt động từ truyền thông đến dự phòng, can thiệp giảm tác hại; từ giám sát, theo dõi, đánh giá HIV/AIDS đến điều trị, chăm sóc, hỗ trợ; đồng thời với hợp tác quốc tế, phối hợp liên ngành và nghiên cứu trên các đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Trong những năm đầu tiên sau khi thành lập trung tâm, công tác phòng, chống HIV/AIDS hầu hết tập trung ở tuyến tỉnh và 3/9 huyện, thành phố đến nay các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai ở 9/9 huyện và đã huy động các trạm y tế xã tham gia không chỉ truyền thông mà cả công tác tư vấn xét nghiệm HIV và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS bằng ARV. Ngoài sự tham gia của hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở, đáng ghi nhận sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp như Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS ở khu dân cư của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự hình thành và hoạt động hiệu quả của các Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp, hoạt động của mạng lưới người nhiễm HIV thông qua các câu lạc bộ, các nhóm tự lực...

Ðiện Biên, mùa nắng mới 1Xét nghiệm HIV tại Trung tâm Phòng chống AIDS Điện Biên.

Đồng thời với sự chủ động, tích cực chỉ đạo và tổ chức triển khai các chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Ban Chỉ đạo và các ngành chức năng tại địa phương là sự quan tâm, hỗ trợ cả về kỹ thuật và kinh phí từ Trung ương và các tổ chức quốc tế. Trong 5 năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã được tiếp nhận hỗ trợ từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các Tiểu ban chuyên môn, Ban Điều hành khu vực phía Bắc và nhiều tổ chức, dự án quốc tế như: Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI 360), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS (GF), Tổ chức Phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV)… Nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng được tăng lên đáng kể, từ dưới một tỷ đồng/năm nhưng trong giai đoạn 5 năm vừa qua trung bình mỗi năm tỉnh Điện Biên được tiếp nhận không dưới 20 tỷ đồng.

Và ghi nhận

Sau hơn 5 năm ứng phó tích cực, hiệu quả với đại dịch HIV/AIDS, Điện Biên đã quản lý được trên 90% người nhiễm HIV đang còn sống, điều trị trên 2.500 người nhiễm HIV bằng ARV, điều trị dự phòng cho hơn 70 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, điều trị dự phòng cho trên 90% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, điều trị methadone cho trên 1.400 người nghiện chích ma túy. Hàng năm thực hiện gần 20.000 mẫu xét nghiệm phát hiện HIV, tiếp cận gần 5.000 đối tượng có hành vi nguy cơ cao, trung bình mỗi năm cấp phát trên 2 triệu bơm kim tiêm và hơn 150 nghìn bao cao su...

Ngoài những kết quả thuộc phạm vi chuyên môn, kỹ thuật y tế, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Điện Biên đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống đối với người nhiễm HIV và người ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Hàng năm, tỉnh đã tổ chức Tết Trung thu và Tết thiếu nhi, hỗ trợ học bổng, quần áo, đồ dùng học tập cho trẻ em nhiễm HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV; Tổ chức hiệu quả hoạt động của các nhóm tự lực, các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS có người nhiễm HIV và nhóm có hành vi nguy cơ cao tham gia; Đặc biệt là hoạt động tín dụng tài chính vi mô M7 và bảo hiểm vi mô cho người nhiễm HIV và người chịu ảnh hưởng bởi HIV, những người sau cai đang sử dụng methadone để tạo việc làm và thu nhập. Những hoạt động này đã và đang được toàn xã hội quan tâm, hưởng ứng và tham gia tích cực nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tạo cơ hội cho họ hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Từ tất cả những nỗ lực của các cơ quan Trung ương đến địa phương và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã góp phần khống chế sự gia tăng HIV/AIDS của tỉnh. Trong hai năm liên tiếp, số người nhiễm HIV mới phát hiện trong năm có xu hướng giảm. Trong ba năm từ 2009 - 2012, tỉnh Điện Biên phát hiện 3.402 người nhiễm HIV, (trung bình hơn 1.100 người nhiễm HIV/năm) nhưng đến năm 2012, con số này là 781 người và 6 tháng đầu năm 2013 chỉ phát hiện 255 người nhiễm HIV. Mặc dù số người nhiễm HIV mới phát hiện tại Điện Biên đã giảm mạnh nhưng vẫn khá cao so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Tuy nhiên, đây là kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu của Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là khống chế tỷ lệ hiện nhiễm HIV dưới 0,3%.

BS. Cao Kim Thoa (Cục Phòng, chống HIV/AIDS)



Ý kiến của bạn