Hà Nội

Ðiểm tựa cho người khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng

12-07-2011 16:10 | Thời sự
google news

Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, hoạt động phục hồi chức năng (PHCN) tại Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về lượng và chất.

Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, hoạt động phục hồi chức năng (PHCN) tại Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về lượng và chất. Nổi bật trong đó, hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng của Việt Nam với những ý nghĩa nhân văn đã được cộng đồng thế giới ghi nhận và đánh giá cao…

Mạng lưới PHCN phát triển rộng khắp

Trước năm 1987, ở Việt Nam chưa có PHCN mà chỉ có các khoa vật lý trị liệu ở một số BV lớn, tuyến TW ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế và chỉ giải quyết được khoảng 10% người khuyết tật đến để tiếp cận các dịch vụ này. Từ sau khi Hội PHCN Việt Nam được thành lập theo quyết định số 50/CT-HĐBT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1991, mạng lưới PHCN trong cả nước đã có những bước phát triển nhanh chóng. Đến nay, cả nước có 39 BV điều dưỡng PHCN; 22 BV và trung tâm điều dưỡng PHCN các bộ, ngành; 100% các BVĐK và chuyên khoa tuyến TW có khoa PHCN, 98% BVĐK tỉnh có khoa PHCN; hầu hết các trường ĐH, CĐ đào tạo nhân lực chuyên ngành y dược đều có bộ môn PHCN; hơn 21.000 cán bộ y tế xã, 8.600 cán bộ y tế tuyến quận (huyện) và gần 400.000 cộng tác viên đã được đào tạo kỹ năng PHCN dựa vào cộng đồng.

Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng được triển khai vào năm 1987 tại 6 xã điểm của huyện Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang. Sau một thời gian triển khai, tỉnh Tiền Giang đã tổng kết và nhận thấy chương trình phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ đó, tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định dành kinh phí để phủ kín 100% số xã của toàn tỉnh. Theo PGS.TS. Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội PHCN Việt Nam, thành công của Tiền Giang là một bài học mang tính bền vững, thực sự dựa vào cộng đồng. Đây chính là tiền đề để Bộ Y tế quyết định triển khai chương trình PHCN dựa vào cộng đồng trên toàn quốc. Hiện nay, chương trình PHCN dựa vào cộng đồng đã được triển khai ở 51 địa phương, 374 huyện/thị, 4.852 xã/phường giúp cho hàng triệu lượt người khuyết tật được hòa nhập với cuộc sống gia đình và cộng đồng. PGS.TS. Trần Trọng Hải cho biết, mô hình PHCN dựa vào cộng đồng là hoạt động tổng hợp, liên kết, trong đó ngành y tế là cốt lõi giữ vai trò phát hiện, thẩm định và đưa ra những biện pháp PHCN thích hợp, đưa kỹ thuật PHCN đến các cộng tác viên, đến người khuyết tật và gia đình họ. Ngành giáo dục có trách nhiệm đưa trẻ em khuyết tật vào học hòa nhập hoặc chuyên biệt tại cộng đồng. Ngành lao động thương binh xã hội hướng nghiệp, tạo công ăn việc làm, thu nhập và các dịch vụ xã hội thông qua các hỗ trợ xã hội.

 Các thầy thuốc khám, thẩm định và đưa ra các biện pháp PHCN.Ảnh: Vĩnh Long

PHCN dựa vào cộng đồng do Việt Nam khởi xướng được đánh giá cao

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hiện số người tàn tật chiếm 10% dân số. Nhưng theo phân loại mới ICF của Liên hợp quốc (WHO, ILO, UNICEF) thì số người khuyết tật chiếm 15 - 20%, trong đó chủ yếu là trẻ em và người trong độ tuổi lao động. Qua kết quả nghiên cứu và đánh giá mô hình PHCN dựa vào cộng đồng ở Việt Nam cho thấy, 70% người khuyết tật có tỷ lệ phục hồi cao, có cơ hội để hòa nhập với cộng đồng. Thực tế cho thấy, việc áp dụng mô hình PHCN dựa vào cộng đồng triển khai tại Việt Nam thời gian qua đã đảm bảo được tính thuyết phục, khả thi, mang lại hiệu quả về kinh tế, tiện ích và ý nghĩa hơn cả là tính nhân văn cho nhóm người thiệt thòi trong xã hội. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, Hội PHCN Việt Nam đã là thành viên của Hội PHCN thế giới (RI). Tại Hội nghị thành lập Hội PHCN dựa và cộng đồng khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở Thái Lan năm 2009, Chủ tịch Hội PHCN Việt Nam đã được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Hội PHCN dựa vào cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương.

Về chiến lược của Hội sắp tới, PGS.TS. Trần Trọng Hải cho biết, Hội vẫn lấy PHCN dựa vào cộng đồng là giải pháp chiến lược, đồng thời  phát triển các trung tâm có kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, Hội cũng đang xúc tiến đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xem xét trình lên Chính phủ để đưa PHCN thành chương trình mục tiêu quốc gia. Song song với những định hướng này, Hội sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực, tăng cường chất lượng dịch vụ, đặc biệt là phát hiện sớm và can thiệp sớm.

Thành công của mô hình PHCN dựa vào cộng đồng trong 24 năm qua là tiền đề cho việc xây dựng chính sách về PHCN, mở ra hướng đi toàn diện bao gồm y tế, giáo dục, lao động thương binh xã hội và các tổ chức xã hội khác - một chiến lược phát triển hết sức bền vững, tiện ích cho hàng triệu người khuyết tật Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm với thế giới, đồng thời từng bước khẳng định vai trò không thể thiếu của công tác PHCN trong bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt là giúp những người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.     
 

PGS.TS. Trần Trọng Hải cho biết, Nhà nước và Bộ Y tế vừa giao cho Trường ÐH Y tế công cộng thông qua Bộ môn PHCN dựa vào cộng đồng, kết hợp với Hội và ngành PHCN Việt Nam tập trung vào công tác PHCN dựa vào cộng đồng cho nạn nhân chất độc da cam. Trước tiên, hoạt động này sẽ được triển khai thí điểm tại 3 tỉnh: Thái Bình, Quảng Ngãi và Ðồng Nai, trên cơ sở đó tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng và phát triển ra toàn quốc. Ðể phục vụ cho hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn này, Hội PHCN Việt Nam cùng các chuyên gia đầu ngành vừa xuất bản cuốn sách chuyên môn hướng dẫn cách phát hiện và PHCN cho 17 nhóm bệnh và tật có liên quan đến nạn nhân chất độc da cam dioxin.

 Nguyễn Hoàng


Ý kiến của bạn