Ibsen là tác giả sân khấu Na Uy kiệt xuất, được xếp liền sau Shakespeare của Anh. Nhân đọc lại Nhà búp bê (1879) của Ibsen, tôi liên tưởng đến Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Nhân vật Nora gợi nhớ đến cô Loan đất Việt. Mặc dù cô Loan và Nora cách nhau hàng vạn dặm và nửa thế kỉ, họ vẫn rất gần nhau vì cả hai đều phải đối đầu với “phận đàn bà”, cùng đoạn tuyệt với cuộc đời cũ và phải ra đi.
Từ nhỏ rồi lớn lên, kết hôn và có con, Nora luôn được bố và chồng nuông chiều, coi là con người giản đơn, đáng yêu. Nhưng rồi chồng là Helmer bị ốm đau, hết của. Để chạy chữa cho chồng, Nora đã thầm lặng xoay xở, nàng mạo chữ kí, đi vay tiền. Khi biết được chuyện, người chồng nổi xung, xỉ vả vợ là gian trá, phá hủy danh dự của mình, không đếm xỉa đến động cơ gian trá là sự hi sinh lớn. Nhưng khi được tin là kẻ cho vay đã được hoàn tiền sẽ không gây tai tiếng gì cho mình thì người chồng lại dịu giọng, tỏ vẻ vẫn yêu thương vợ, sẵn sàng tha thứ cho vợ. Nhưng Nora đã tỉnh ngộ: 8 năm làm vợ là 8 năm làm “búp bê”! Mặc dù chồng hết sức dỗ dành, Nora quyết định bỏ nhà ra đi, đoạn tuyệt cuộc đời cũ để tìm cách sống thành một con người thực sự.
Loan trong Đoạn tuyệt cũng như Nora trong Nhà búp bê nổi loạn vì muốn sống cuộc đời của con người thực sự. Có học, chịu ảnh hưởng nền giáo dục kiểu Pháp, nàng yêu Dũng, một thanh niên cũng yêu nàng nhưng tạm gạt bỏ tình yêu để theo đuổi chí lớn. Nàng bị ép lấy Thân, một người tầm thường, nệ cổ. Nàng chống lại gia đình nhà chồng cổ hủ. Con trai nàng bị chết vì mẹ chồng cho uống tàn hương nước thải. Nàng lại mất khả năng sinh đẻ, chồng lấy vợ lẽ, sinh con trai. Tình hình căng thẳng, Thân gây sự với Loan, hai mẹ con xông vào đánh Loan. Thân vô ý ngã vào con dao Loan đang cầm để tự vệ và chết. May tòa án tha bổng cho là ngộ sát. Loan sống tự do, dạy học và làm báo.
Tấn bi kịch của Nora và Loan nằm trong hai nền văn hóa khác nhau. Theo một số nhà nhân học và văn hóa (như E Hall và Hofstede), một trong những yếu tố để phân biệt các nền văn hóa thế giới là sự đối lập giữa tính cá thể (individualism) và tính tập thể (collectivism). Nora thuộc nền văn hóa phương Tây được đặc trưng bởi tính cá thể. Loan thuộc nền văn hóa Đông Á, đậm màu sắc tập thể. Như vậy, về mặt khách quan, Nora thuận lợi hơn Loan trong việc đấu tranh tự khẳng định cá tính, nhưng Nora giác ngộ chậm hơn Loan. Sự biến chuyển xã hội Na Uy thời Nora cũng thuận lợi hơn cho Nora. Ở châu Âu, phong trào giải phóng phụ nữ nhóm lên trong văn học từ thế kỷ 18. Ngay đầu cuộc Cách mạng Pháp 1789, trước khi lên máy chém Marie Gouze đã viết Bản tuyên ngôn quyền của phụ nữ và nữ công dân (1791).
Cuối thế kỷ 19, phong trào phụ nữ ở Bắc Âu cũng phát triển rất mạnh. Ibsen sáng tác Nhà búp bê trong cao trào giải phóng phụ nữ ở Bắc Âu, do đó ông thường bị coi chỉ là một chiến sĩ của phong trào. Đó là điều ông luôn cải chính: ông đề cập tới phụ nữ không phải với tính chất nhất thời mà phải coi đó là vấn đề nhân văn, vấn đề chống áp bức nói chung, cũng như bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Dù sao Nora cũng trở thành một biểu tượng và một ngọn cờ của phong trào phụ nữ quốc tế.
Việt Nam thời Đoạn tuyệt (1934) còn là một nước thuộc địa Pháp bán phong kiến. Hiện đại hóa tức phương Tây hóa, mới thực hiện bước đầu ở thành thị về mặt tư tưởng, trong tầng lớp trí thức tiểu tư sản ra đời sau Đại chiến I. Ngay cả ở tầng lớp đó và nói chung trong toàn thể xã hội, tư tưởng Khổng giáo đại gia đình còn rất nặng nề. Phong trào phụ nữ từ châu Âu (trong đó có vai trò của Ibsen) đã ảnh hưởng đến châu Á. Ở Việt Nam, phong trào phụ nữ bắt đầu từ những năm 1920 trong báo chí văn học và đạt được những thành tựu cụ thể trong đời sống như phụ nữ để răng trắng, mặc áo dài Lemur, đánh phấn, làm việc ở công sở... Nhất Linh đã tạo ra nhân vật Loan, có thái độ quyết liệt hơn Tố Tâm (1925) và cô Mai trong Nửa chừng xuân (1934).
Trong khung cảnh Na Uy và châu Âu cuối thế kỉ 19, Ibsen đã đề cập đến mấy vấn đề: chống lại quan niệm phân biệt nam nữ, hôn nhân, giải phóng phụ nữ khỏi những xiềng xích xã hội, quyền làm mẹ. Người phụ nữ tân thời (New woman) phải độc lập tự thể hiện được mình, bình đẳng với nam giới về pháp luật và tình dục, từ bỏ lý tưởng hy sinh của xã hội tư bản đương thời. Làm mẹ phải là do tự nguyện, có tình cảm thực sự, không phải chỉ là chức năng sinh vật. Nora đoạn tuyệt với cuộc đời làm vợ làm mẹ kiểu “búp bê” (được cưng chiều nâng giấc như một em bé, nhưng mất quyền tự chủ, tự giác của con người). Loan đoạn tuyệt với cuộc đời cũ đó, nhưng không triệt để và sâu sắc bằng Nora. Nhất Linh sáng tác theo phong cách lãng mạn, còn Ibsen theo phong cách hiện thực.
Bước sang thế kỉ 21, các Nora ở Na Uy và Bắc Âu nói chung hoàn toàn được giải phóng nên Nhà búp bê không còn sức hấp dẫn như xưa. Còn ở Việt Nam, các cô Loan, nhất là ở nông thôn, cuộc đấu tranh tranh chưa hẳn đã “đoạn tuyệt”, do còn bị phụ thuộc về kinh thế và ảnh hưởng kéo dài của Khổng học.
Sau đây là một số tư duy của Ibsen:
• Những người bạn thật nguy hiểm cho ta, chủ yếu không phải do những điều họ khiến ta làm, mà là do những điều họ ngăn ta làm.
• Bổn phận! Lúc nào cũng bổn phận; ôi, tôi không thể chấp nhận cái từ xấu xa ấy! Từ ấy sao chua chát thế, lạnh lùng thế. Bổn phận, bổn phận, lại bổn phận! Có thể coi là những mũi kim đâm vào da thịt. (Nhà búp bê)
• Vậy thì xin đừng sử dụng cái từ cao quý “lý tưởng” ấy trong khi để chỉ điều ấy trong ngôn ngữ bình thường có một từ rất hoàn hảo là “dối trá”.
• Người mạnh nhất thế giới là người cô đơn nhất.
• Xã hội y như một chiếc tàu thủy, tất cả mọi người trên tàu đều phải đóng góp cho tàu chạy theo hướng của bánh lái.
• Năng khiếu y như suối nguồn, bao giờ cũng tự mở đường chạy ra biển cả, không thể bắt chảy ngược, không thể ngăn chặn, không thể kìm hãm.
• Thật là điều tuyệt vời khi một người được sinh ra vì hạnh phúc một người khác.
• Cái đẹp là gì? Đó là một ước lệ, một loại tiền tệ chỉ có giá từng lúc từng nơi.
• Sự nổi dậy duy nhất là việc tìm kiếm hạnh phúc.
• Có những người mà ta yêu mến, lại có những loại người có mối quan hệ vui thích mà thôi.
• Có những lúc phải cần rất nhiều can đảm khi lựa chọn cuộc sống.
• Bạn có cho là chúng ta bắt buộc phải dạy vô số cái mà bản thân chúng ta cũng không tin?
• Công chúng không cần những tư tưởng mới. Điều tốt nhất đối với công chúng là những tư tưởng cũ, tốt, đã được công nhận và có sẵn trong đầu họ.
• Sống, có nghĩa là đấu tranh với hai con quỷ là trái tim và khối óc.
Hữu Ngọc