Nạn khai thác cát sạn trên sông Cầu (Bắc Ninh) gần đây đang dần trở thành nghề “hái ra tiền” của nhiều người. Cái lợi thu được từ nghề khai thác cát sạn là không nhỏ, tuy nhiên cái hại lâu dài thì hầu như người ta không hề quan tâm đến đã khiến sông Cầu đang bị “rút ruột”, gây sạt lở đê điều nghiêm trọng.
Sa tặc lộng hành trong sự bất lực của chính quyền sở tại. Ảnh: V.H |
Khai thác cát không phải là những tên trộm vặt thoắt ẩn thoắt hiện, những “mỏ” cát được hình thành đàng hoàng, tàu bè, bến bãi, máy, người la liệt và hoành tráng. Vậy nhưng thật nực cười khi lãnh đạo địa phương ở đây lại tỏ ra hết sức “yếu ớt” và “chật vật” với việc đối phó với vấn nạn này.
Trò chuyện với ông Dương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt, ông Hùng thẳng thắn: “Tình trạng khai thác cát sạn trái phép trên sông Cầu diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chính quyền không làm gì được bởi lực lượng quá mỏng, thiếu kinh phí cho việc tuần tra canh gác, thẩm quyền có hạn”.
Đem câu hỏi thắc mắc về vấn nạn cát tặc diễn ra lâu nay nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý dứt điểm, ông Lê Danh Bắc – Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Yên Phong giải thích: “Chúng tôi đã thành lập tổ công tác, nhiều lần tổ chức tiến hành tuần tra nhưng nhiều đối tượng chạy trốn nên không bắt và xử phạt được. Năm 2010 chỉ bắt được một trường hợp, tiến hành phạt và thu giữ tàu hút cát”.
Hiện nay, dọc hai bên bờ sông, đoạn qua địa phận xã Dũng Liệt và xã Tam Đa có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng chỉ cách bờ đê bảo vệ khoảng 20m. Chỉ với một phép cộng đơn giản thì mỗi ngày sông Cầu đã bị “rút ruột” hàng triệu khối cát sạn. Với số lượng đó thì chỉ trong vài chục năm tới, nguồn tài nguyên quý giá này cũng phải đến lúc cạn kiệt. Khai thác cát sạn trên sông Cầu, nếu chỉ nhìn thấy những nguồn lợi trước mắt mà quên đi những hậu quả tất yếu lâu dài, chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường đối với môi trường. Không biết đến bao giờ tình trạng khai thác cát trái phép trên dòng sông Cầu mới được xử lý triệt để?
Võ Hùng