Ði tìm lời giải cho bài toán an sinh xã hội đối với lao động di cư

21-09-2018 08:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại Phiên thảo luận của Hội nghị BCH Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 (ASSA 35) diễn ra tại Nha Trang - Khánh Hòa với chủ đề “Tự do dịch chuyển lao động tại các nước ASEAN và các nước đang phát triển”, ông Đinh Duy Hùng - Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) chia sẻ: Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thuộc nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Việt Nam hiện có 231.000 người tham gia BHXH tự nguyện, còn rất thấp so với 18 triệu lao động phi chính thức…

Theo ông Đinh Duy Hùng, tại Việt Nam, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Các chế độ được thụ hưởng từ chính sách này sẽ gồm: Hưu trí và tử tuất. Tính đến hết tháng 6/2018, Việt Nam có 231.000 người tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng bình quân trên 2,1 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện còn không ít thách thức đặt ra trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, trong điều kiện kinh tế còn hạn chế.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 18 triệu lao động phi chính thức, phi nông nghiệp, trong đó chỉ có 23% có quan hệ lao động trên pháp lý và đáng tiếc trong số này mới chỉ có khoảng 0,2% tham gia BHXH. Thu nhập của nhóm đối tượng này trung bình là 3,9 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn nhiều so với thu nhập bình quân chung cả nước (6,7 triệu đồng/người/tháng). Do đó, vấn đề còn tồn tại ở đây là hiện còn khoảng 6 triệu người trong độ tuổi từ 45 - 60 chưa tham gia BHXH, gây ảnh hưởng không chỉ tới hệ thống an sinh xã hội mà còn tác động cả tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bởi những người này nếu vẫn không tham gia BHXH thì khi hết tuổi lao động sẽ không được hưởng lương hưu và cũng có trợ cấp xã hội để đảm bảo cuộc sống.

Ði tìm lời giải cho bài toán an sinh xã hội đối với lao động di cưCác diễn giả tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực an sinh xã hội tại hội nghị.

Trong lần cải cách chính sách BHXH sắp tới đây, Việt Nam sẽ có chính sách đảm bảo nhóm đối tượng này phải tham gia BHXH theo diện bắt buộc hoặc tự nguyện với những cải cách cụ thể như: Tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện qua việc mở rộng các chế độ thụ hưởng; tăng kinh phí hỗ trợ người tham gia từ nguồn ngân sách Nhà nước, liên thông với BHXH bắt buộc...

Ông Đinh Duy Hùng cũng chia sẻ, trong xu thế dịch chuyển lao động, hiện Việt Nam có khoảng 500.000 người làm việc tại nước ngoài và sẽ tăng hàng trăm ngàn người hàng năm. Trong số này mới có khoảng 6.000 người tham gia BHXH. Để quản lý hiệu quả và đảm bảo về BHXH với nhóm đối tượng này, cần xây dựng các chính sách hợp tác song phương, đa phương về tham gia BHXH cho lao động di cư ở các quốc gia, đi đôi với việc hiện đại hóa phương thức quản lý hoặc phối hợp quản lý lao động di cư.

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho hay, dòng dịch chuyển của lao động di cư đã và đang là xu thế toàn cầu. Đứng ở góc độ lợi ích, nhóm lao động di cư đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển của từng quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc xây dựng các chính sách an sinh xã hội cho lao động di cư là một yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, chính đáng và có thể thực hiện được qua các hiệp định song phương, đa phương về an sinh xã hội cũng như sự nỗ lực của mỗi quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nói: Qua chia sẻ của các diễn giả đến từ WB, ISSA, ILO, New Zealand, Hàn Quốc, Malaysia, chúng ta đã có những đồng thuận và kiến thức, kinh nghiệm về đảm bảo các chế độ an sinh cho người lao động, nhất là trong các ngành nghề phi biên giới, phi tập trung cũng như người lao động di dân.

Đồng quan điểm với diễn giả nước chủ nhà về việc cần tìm ra lời giải cho bài toán an sinh xã hội đối với lao động di cư, nhiều chuyên gia cho rằng, các quốc gia cần nhanh chóng ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương về bảo vệ lao động di cư. Đồng thời, các chuyên gia cũng ủng hộ việc loại bỏ các quy định về phân biệt đối xử quốc tịch; tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về lao động di cư; giúp đỡ lao động di cư tiếp cận dần với các chính sách an sinh xã hội của quốc gia tiếp nhận lao động…


Linh Phạm
Ý kiến của bạn