Ði tìm cội rễ của tình yêu

21-07-2013 01:20 | Quốc tế
google news

Trong quan niệm thông thường của nhiều người, của một thời, tình yêu chỉ có ở con người, tuy nhiên ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy để hiểu được hơn về tình yêu con người, cần trở về với cội nguồn, gốc gác của sự gắn bó ở động vật, của tình mẫu tử giữa mèo mẹ và mèo con, sự tiếc thương ở loài voi đối với những cá thể qua đời, tình bạn bền chặt ở loài cá heo, sự ân cần ở loài vẹt...

Trong quan niệm thông thường của nhiều người, của một thời, tình yêu chỉ có ở con người, tuy nhiên ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy để hiểu được hơn về tình yêu con người, cần trở về với cội nguồn, gốc gác của sự gắn bó ở động vật, của tình mẫu tử giữa mèo mẹ và mèo con, sự tiếc thương ở loài voi đối với những cá thể qua đời, tình bạn bền chặt ở loài cá heo, sự ân cần ở loài vẹt... Ðây là chủ đề chính trong nghiên cứu của chuyên gia về ứng xử động vật Claude Béata. Nhân cuốn “Au risque d’aimer” (Mạo hiểm để yêu) của Claude Béata vừa ra đời.

Để nói về tình yêu, “Gắn bó” là lý thuyết tâm lý học được dẫn ra nhiều nhất, vì nó bao hàm một loạt các dữ kiện về sinh học, tình cảm, tâm lý, xã hội, văn hóa. Thực thể đầu tiên của mối liên hệ gắn bó, ở người cũng như động vật, không ai khác hơn là “mẹ”. Đấy là cái làm nên sự khác biệt, khi chúng ta quan sát hai quần thể động vật có mặt trên khắp hành tinh. Trước hết là các loài các côn trùng, là giống không có mối liên hệ này và một loài động vật khác dành ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó giữa mẹ và con. Chính loài động vật đó có sự tiến hóa rất cao. Theo nhà động vật học, mối quan hệ gắn bó có bản chất phức tạp. Mối quan hệ này có hai vai trò gần như đối lập nhau. Thứ nhất, mẹ phải là cơ sở an toàn của con. Đứa con hiểu rằng, ngay khi có một vấn đề gì đó, nó có thể tìm chỗ dựa an toàn nơi mẹ mình. Chúng ta có rất nhiều ví dụ về mối quan hệ me ̣- con ở loài chó, gọi là mô hình ứng xử ngôi sao, với mẹ ở vị trí trung tâm. Con có thể đi xa khỏi mẹ nhưng mỗi khi có vấn đề gì, đứa con lại trở lại với mẹ nó.
Ði tìm cội rễ của tình yêu 1
 Tình mẹ con là cội rễ của tình yêu khi trưởng thành.

Nỗi sợ là cảm giác nguyên ủy cần cho sự sống. Để sống cần phải biết sợ. Sợ các loài thú dữ chẳng hạn. Nếu không biết sợ, cuộc sống sẽ rất ngắn ngủi. Tuy nhiên, nỗi sợ lại làm tê liệt các hoạt động thần kinh khác. Chính vì thế, việc điều tiết tình cảm sợ hãi và cảm giác sung sướng là điều rất hệ trọng, giúp cho việc các năng lực thần kinh căn bản có thể phát triển. Nhà thú y Claude Béata lấy ra ví dụ chuột sơ sinh để cho thấy vai trò của oxytocine - chất dẫn truyền thần kinh đi liền với mối quan hệ gắn bó - trong mối liên hệ giữa cảm giác sợ hãi và quá trình học tập. Chúng ta biết, ở loài chuột, 12 ngày đầu tiên hết sức quan trọng để chuột sơ sinh phát triển, đặc biệt là phát triển cơ quan khứu giác. Chuột con phải học đủ các loại mùi khác nhau, đặc biệt là các mùi “mang tính xã hội’’. Các nghiên cứu cho thấy, vào thời điểm đó, hormon của sự gắn bó - chất oxytocine được tiết ra để hãm lại quá trình gây sợ, để cho phép chuột nhỏ học phát triển khứu giác. Sau 12 ngày, quá trình này ngưng lại và chuột con bắt đầu biết sợ các yếu tố xa lạ. Oxytocine là hormon của sự gắn bó xã hội, của niềm sung sướng... Đây cũng là chất xuất hiện vào thời điểm hoan lạc trong các hoạt động giao hợp. Thoạt tiên, người ta chỉ biết rằng chất này tham gia hỗ trợ cho việc chửa đẻ, nhưng sau đó các nhà khoa học phát hiện ra rằng đây là cả một thế giới kỳ diệu.

Việc con người và động vật bậc cao đánh liều trong quan hệ tình yêu không phải là điều ngẫu nhiên mà xuất phát từ nhu cầu sâu xa của giống loài, của các sinh vật bậc cao nói chung. Nhiều ví dụ cho thấy, một đứa trẻ không có mối quan hệ gắn bó với mẹ cho dù có đầy đủ các điều kiện vật chất thì không những rơi vào trạng thái bệnh tật mà thậm chí bị chết. Con người không những cần đến bánh mỳ và nước uống mà cũng rất cần sự gắn bó. Theo nhà thú y, những gì gắn bó với người mẹ thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ tình yêu của người con sau này, cụ thể trong trường hợp này là người con trai. Ta có thể thấy tình yêu, sự gắn bó là cái gì đó mà đứa trẻ tắm mình trong đó từ rất sớm. Điều này khiến cho đứa trẻ khi lớn lên sẽ đi tìm..., nếu là một người đàn ông thì tìm một phụ nữ giống mẹ mình và ngược lại có thể là một người không giống mẹ mình.

Người mà ta tìm có thể là rất khác, cũng có thể là rất giống, nhưng nhìn chung đều trên cơ sở so sánh với con người đầu tiên mình đã gắn bó, những dấu vết cảm giác, tình cảm - hồi ức mà người mẹ để lại trong ta.

Không chỉ có người mà ở nhiều loài chim, mối quan hệ cha - con cũng rất gắn bó. Chúng ta nói nhiều đến tình cha con ở loài chim. Có nhiều loài chim nổi tiếng vì cuộc sống thành đôi. Chúng tạo thành các cặp sống ổn định và dành nhiều thời gian chăm sóc con. Chim bố tham gia vào việc ấp trứng, tất nhiên là cả việc kiếm mồi và cho con ăn. Đối với chim bố, chim con là một thực thể rất rõ ràng, quan trọng, hơn cả là cuộc sống từng ngày, điều này diễn ra liên tục.

Có hai điều đáng ngạc nhiên ở đây. Điều thứ nhất: Khi mẹ phải mang thai, cho con bú, nuôi con một mình, bảo vệ con. Nếu thuần túy về mặt năng lượng, ta nghĩ rằng chi phí nhiều năng lượng như vậy thì con cái phải chết sớm hơn con đực. Tuy nhiên, trong tất cả các loài mà con cái nuôi con một mình không có con đực, con cái bao giờ cũng sống lâu hơn. Dường như là có một sự ban thưởng của tự nhiên, cho những ai yêu và chăm sóc con nhỏ. Ở những loài mà con đực tham gia vào nuôi con, chủ yếu là hoạt động ôm con hay chơi với con, cho mẹ ăn..., càng tham gia vào việc chăm sóc con thì sự khác biệt về tuổi thọ giữa hai bên càng giảm đi.

Điểm lạ lùng thứ hai là, về mặt năng lực nhận thức, trí thông minh, đặc biệt là trí thông minh xúc cảm, như sự đồng cảm với người khác. Thường thì để hiểu về con, cha thường phải hỏi mẹ. Nếu như người cha tham gia vào việc nuôi dạy con, chính ông ta cũng được hưởng lợi trong việc phát triển các khả năng của mình. Vậy thì, hỡi các ông bố: Hãy chăm sóc con mình, chúng ta không có gì để mất cả!.

                 Quỳnh Anh

 (Theo NYT, AFP)


Ý kiến của bạn