Đi tiểu nhiều lần có thể khiến người bệnh mất kiểm soát bàng quang, ảnh hưởng đến giấc ngủ do thường xuyên tỉnh giấc vào ban đêm để đi vệ sinh. Đi tiểu nhiều lần cũng có thể là triệu chứng của một rối loạn sức khỏe tiềm ẩn. Đáng nói là nhiều người mắc phải vấn đề này thường ngại nói ra, kể cả với bác sĩ vì xấu hổ.
Nguyên nhân đi tiểu nhiều lần
Căng thẳng và lo lắng: có thể kích thích sản xuất các hormon căng thẳng, tác động lên bàng quang và mang lại những thay đổi sinh lý của bàng quang, gây đi tiểu nhiều lần. Thư giãn và giảm căng thẳng thường có hiệu quả trong giảm bớt triệu chứng.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Đa phần nhiễm trùng đều ở bàng quang và niệu đạo.
Do dùng thuốc: Một số loại thuốc, kể cả thuốc lợi tiểu, có thể dẫn đến đi tiểu nhiều lần.
Phì đại tuyến tiền liệt: Điều này có thể dẫn đến đi tiểu nhiều lần ở nam giới.
Nhiễm trùng tuyến tiền liệt: Nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra đi tiểu nhiều lần.
Nhiễm trùng thận: Có thể liên quan đến các triệu chứng như nước tiểu đục và có mùi cùng với tần suất đi tiểu cao.
Bàng quang hoạt động quá mức: Đây là một sự thôi thúc đột ngột đi tiểu mà người bệnh không thể kiểm soát do co thắt bàng quang không giải thích được, không kiểm soát được.
Ảnh minh họa
Viêm bàng quang kẽ, là tình trạng viêm thành bàng quang.
Các nguyên nhân khác như: Ung thư bàng quang; Rối loạn chức năng bàng quang; Dị dạng đường tiết niệu; Khối u vùng xương chậu; Sỏi thận.
Tiểu đường: Có thể xảy ra khi cơ thể cố gắng đào thải glucose qua nước tiểu.
Chất làm ngọt nhân tạo, rượu và caffeine: Có tác dụng kích thích bàng quang, gây ra đi tiểu nhiều lần.
Các triệu chứng liên quan đến đi tiểu nhiều lần
Triệu chứng có thể giúp xác định nguyên nhân của chứng đi tiểu nhiều lần. Mặc dù mỗi người là khác nhau, các triệu chứng cơ bản của đi tiểu nhiều lần bao gồm:
Mót tiểu.
Nóng rát khi đi tiểu hoặc ngay sau khi đi tiểu.
Nước tiểu nhỏ giọt khi đi tiểu: Sau khi hoàn thành đi tiểu, nước tiểu vẫn tiếp tục chảy nhỏ giọt.
Rò rỉ nước tiểu không giải thích được.
Đau bàng quang: Đau cảm nhận ở vùng bụng dưới.
Tiểu không tự chủ: Không có khả năng kiểm soát dòng chảy của nước tiểu.
Són tiểu không tự chủ: Khi cười to, ho không kiềm chế được một lượng nhỏ nước tiểu rò rỉ ra ngoài.
Máu trong nước tiểu: Thường là dấu hiệu của các vấn đề về thận. Máu trong nước tiểu có thể chỉ một lượng nhỏ, chỉ thấy khi làm xét nghiệm, hoặc thể hiện ở những cục máu đông hay rất nhiều máu trong nước tiểu khiến nước tiểu đổi sang màu đỏ.
Khi đi tiểu nhiều lần ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống một cách đáng kể hoặc bạn có triệu chứng không rõ nguyên nhân, bao gồm đau lưng, sốt, ớn lạnh, tiểu máu hoặc có màu trắng đục, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt.
Để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác
Để chẩn đoán nguyên nhân đi tiểu nhiều lần, bác sĩ cần tiến hành khám sức khỏe và hỏi bệnh. Sau đây là một số câu hỏi người bệnh trước khi đến khám có thể chuẩn bị trước: Bạn có vấn đề đi tiểu nhiều lần trong ngày hay ban đêm không? Đi tiểu nhiều lần vào ban đêm có dẫn đến thiếu ngủ? Bạn uống bao nhiêu nước trong một ngày? Bạn có uống rượu hoặc đồ uống có chứa caffeine không? Bạn dùng thuốc gì nếu có? Tùy thuộc vào câu trả lời và tiền sử bệnh của bạn, bác sĩ có thể tiến hành một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây:
Xét nghiệm nước tiểu.
Đo áp lực bàng quang: Một xét nghiệm đo áp suất bên trong bàng quang để xem bàng quang hoạt động như thế nào.
Siêu âm: Chẩn đoán hình ảnh để xem hình ảnh bàng quang và khu vực xung quanh bàng quang.
Kế hoạch điều trị sẽ được bác sĩ đưa ra sau khi đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Các lựa chọn điều trị
Nếu bệnh tiểu đường là nguyên nhân, điều trị có thể liên quan đến việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Nếu một người có bàng quang hoạt động quá mức: Việc điều trị có thể bắt đầu bằng liệu pháp hành vi, chẳng hạn như điều chỉnh chế độ ăn uống và các bài tập Kegel. Bài tập Kegel là các bài tập để tăng cường các cơ xung quanh bàng quang và niệu đạo giúp cải thiện kiểm soát bàng quang. Trong những năm gần đây, liệu pháp botox đã được sử dụng để điều trị một số ca đi tiểu nhiều lần do bàng quang tăng hoạt động.
Phẫu thuật có thể áp dụng, nhưng là lựa chọn cuối cùng khi các biện pháp điều trị khác không được chỉ định hoặc thất bại. Có thể áp dụng một thủ thuật cấy ghép một bộ phận kích thích thần kinh bên dưới da để giúp điều khiển các cơn co thắt ở cơ và các cơ quan bên trong sàn chậu - Ít xâm lấn hơn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để giảm đi tiểu nhiều lần, trong nhiều trường hợp, chỉ cần những điều chỉnh đơn giản như: Theo dõi lượng nước uống vào, tránh uống rượu gần với giờ đi ngủ; tránh các loại thực phẩm nhất định, chẳng hạn như thức ăn cay, sô cô la, chất làm ngọt nhân tạo và các loại thực phẩm khác có thể gây kích thích bàng quang. Đến bác sĩ khám khi những triệu chứng gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Tóm lại, cho dù người bệnh đã cao tuổi hay đang ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc sống, không cần phải chịu đựng sự khó chịu do đi tiểu nhiều lần và càng không nên mặc cảm giấu giếm. Như bạn đã đọc những thông tin nêu trên, đi tiểu nhiều lần là khá phổ biến, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp hiệu quả sớm.