Ðược biết đến với tên tuổi là một nhà phẫu thuật tim mạch tài ba, ghi dấu ấn trên bản đồ thế giới trong lĩnh vực tim mạch với phẫu thuật tim nội soi toàn bộ, GS.TS.TTND. Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện (BV) E còn thực sự là một nhà quản lý có tài khi ông đưa “bộ mặt” BV E ngày càng khởi sắc, vươn lên trở thành một BV mũi nhọn được nhiều người biết tới với những kỹ thuật cao nổi bật không chỉ trong lĩnh vực tim mạch mà còn trong lĩnh vực ngoại chấn thương, sản khoa... Phóng viên báo Sức khỏe&Ðời sống đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Lê Ngọc Thành về câu chuyện làm nghề, về chặng đường dài ông đã chinh phục vươn tới kỹ thuật đỉnh cao cùng thế giới và những gì ông đã, đang trăn trở cho BV E trong tương lai.
GS.TS. TTND. Lê Ngọc Thành.
Kỹ thuật ghi dấu trên bản đồ tim mạch thế giới
Phóng viên (PV): Được biết GS và các cộng sự vừa sang Vương quốc Anh và Monaco báo cáo về kỹ thuật mổ tim nội soi toàn bộ Việt Nam đã chinh phục và làm chủ. Từ phẫu thuật tim hở với đường mở xương ức kinh điển đến mổ tim qua đường mở ngực phải, sau đó là mổ ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ và cán đích với kỹ thuật mổ tim nội soi hoàn toàn được thế giới biết đến; hẳn là cả một chặng đường dài nếu không nói là đầy thử thách để thực hiện được điều đó?
GS. Thành trao đổi với các đồng nghiệp quốc tế tại Vương quốc Anh về kỹ thuật mổ tim nội soi toàn bộ của Việt Nam.
GS.TS. Lê Ngọc Thành: Bạn làm tôi nhớ đến những năm đầu tiên của cuộc đời phẫu thuật viên tim mạch. Tháng 12/1987, tôi về công tác tại Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, BV Việt Đức. Bắt đầu với phẫu thuật tim kín (không tuần hoàn ngoài cơ thể, tim vẫn đập), sau đó đến mổ tim hở kinh điển với đường mở toàn bộ xương ức (có tuần hoàn ngoài cơ thể, tim ngừng đập), tiếp đến mổ tim hở kinh điển nhưng mở đường ngực, rồi đến mổ ít xâm lấn nội soi hỗ trợ và nay là mổ tim nội soi toàn bộ. Cả một quá trình dài hơi gần 30 năm với khoảng 200 công trình nghiên cứu về tim mạch với các cộng sự cùng hơn 300 ca phẫu thuật ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ để tiến tới thực hiện thành công phẫu thuật tim nội soi toàn bộ. Chúng tôi tự hào Trung tâm Tim mạch BV E là nơi đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật này tại Việt Nam. Đến nay chúng tôi đã được triển khai thường quy, thực hiện cho cả người lớn và trẻ em (nhỏ nhất 27 tháng). Lợi ích thấy rõ trên người bệnh (không phải mở đôi xương ức, tránh được các biến chứng viêm xương ức, chảy máu, đau sau mổ, nằm viện lâu, sẹo lồi xấu...). Các thao tác mổ được thực hiện chỉ qua các lỗ nhỏ dưới 1,5cm qua màn hình nội soi; sau mổ gần như không để lại sẹo, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục trở về với sinh hoạt hàng ngày.
PV: Các đồng nghiệp dự hội nghị ở Vương quốc Anh và Monaco đón nhận và đánh giá kỹ thuật mổ tim bằng nội noi toàn bộ “made by Việt Nam” như thế nào, thưa GS?
GS.TS. Lê Ngọc Thành: Điều họ thích thú với kỹ thuật mổ tim nội soi toàn bộ của Việt Nam là không cần robot hỗ trợ, mình thực hiện rất khả thi và không có tai biến gì. Tháng 6 tới chúng tôi sẽ báo cáo tại Rome (Italy).
GS. Thành trao đổi chuyên môn cùng các cộng sự.
PV: GS có mong muốn nước ta tiến tới thực hiện được phẫu thuật tim nội soi hoàn toàn bằng robot?
GS.TS. Lê Ngọc Thành: Thiết bị mổ tim bằng robot quá đắt và cồng kềnh (hơn 100 tỷ đồng). Với những nước đang phát triển như Việt Nam, khi mà các trang thiết bị thiết yếu, tiêu chuẩn (giường bệnh, máy thở, siêu âm, monitoring, bơm tiêm điện...) còn chưa đầy đủ, theo tôi nghĩ thì không nên đầu tư cái đó. Điều tôi mong muốn là các bệnh viện trên cả nước phải dần từng bước được trang bị đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao và khi thực hiện các kỹ thuật cao nói chung và trong tim mạch nói riêng phải đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, triển khai thành thường quy cho người bệnh chứ không chỉ làm được 1-2 trường hợp mang tính trình diễn, quảng bá thương hiệu. Hiện nay, bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, Trung tâm Tim mạch BV E đang đào tạo và giúp phát triển mạng lưới mổ tim cho một số BV ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như BV Việt-Tiệp Hải Phòng, BVĐK Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thái Bình, BV Sản Nhi Đà Nẵng...
Câu chuyện của một nhà quản lý
PV: Từ một nhà chuyên môn sang làm quản lý, lãnh đạo một BV, GS có thể chia sẻ sẽ có những cái khó và có những lợi thế gì?
GS.TS. Lê Ngọc Thành: Thực sự là tôi không thấy khó gì. Cái khó nhất bây giờ là xây dựng đội ngũ cán bộ y, bác sĩ ở BV E ngày một tốt lên. Nói để bạn hiểu “tình cảnh” của chúng tôi trước đây: Các BV lớn như Việt Đức, Bạch Mai có 5 cái có. BV E có 5 cái không. Người ta có nhân lực (chất lượng cao), có người bệnh (quá đông), có cơ sở vật chất (hiện đại), có thương hiệu (quá lớn), có đầu óc phát triển. BV E thì ngược lại.
Khi lên làm Giám đốc BV, tất cả các bác sĩ trẻ mới về BV tôi điều đi học ngay, chưa cho làm nghề được. BV E chưa có đủ môi trường đào tạo nội trú như BV Việt Đức, Bạch Mai... nên tôi đề nghị các em trước hết phải đi học chỗ khác đã. Ngay cả điều dưỡng mới ra trường cũng điều đi học từ 3-6 tháng mới phân về các khoa. Nếu ai không chịu đi học, sẽ không nhận và sau này với các con em nhân viên của bệnh viện nếu là bác sĩ phải đi học ngay từ đầu chuyên ngành các em yêu thích 1,5 - 2 năm mới về làm việc.
Mà để những chuyện bằng khen, thi đua, chiến sĩ thi đua không chỉ là việc chạy theo thành tích, chúng tôi ra quy định: Tất cả bác sĩ chuẩn bị đi học sau đại học (CKI, thạc sĩ, CKII, NCS) bắt buộc phải báo cáo khoa học tại BV với số liệu bệnh nhân ở khoa mình tối thiểu 1 bài, với nghiên cứu sinh là 2 bài trong chương trình sinh hoạt khoa học thường quy tại hội trường A của BV 2 tuần/lần, không cho phép lấy bất kỳ số liệu báo cáo từ nơi khác. Là số liệu thô thôi cũng được, nhưng là số liệu thực, là những con số biết nói, không phải những con số “ma”. Rồi mới được đi học. Và đã có những chuyển biến, anh em đua nhau đi học.
GS. Thành chuyện trò với BN vừa can thiệp tim mạch. Ảnh: Mai Linh
PV: Điều đó phải là sự thay đổi nhận thức từ chính bản thân mỗi người, để họ cảm nhận động lực thôi thúc từ chính họ?
GS.TS. Lê Ngọc Thành: Đúng vậy. Làm sao để người ta biết mình đang ở vị trí nào, biết mình thiếu hụt ở đâu, cần thay đổi những gì. Như tôi vừa nói, các bác sĩ trẻ mới về BV tôi gửi sang các BV để học đúng chuyên khoa 1-2 năm, sau đó về làm rồi mới tiếp tục học lên cao học. Những người có tuổi thì cho phép mời thầy về, hoặc yêu cầu sang một số BV để học hỏi thêm. Bằng mọi cách phải nâng cao trình độ, phải giỏi nghề mới có thể sống tốt được bằng nghề.
Phải thay đổi để tiến lên
PV: BV E của ngày hôm nay như được khoác tấm áo mới với vẻ ngoài khang trang, sạch đẹp; trang thiết bị hiện đại cùng cơ chế hoạt động linh hoạt với sự chuyển mình mạnh mẽ từ sâu trong nội lực để thúc đẩy yếu tố con người. Phía sau sự “lột xác” ngoạn mục đó là những việc làm quyết liệt của người đứng đầu BV?
GS.TS. Lê Ngọc Thành: Bạn có biết, thời chúng tôi học nội trú tại BV Việt Đức, để đặt bút ghi chẩn đoán viêm ruột thừa thôi, phải 2-3 lần xem, ghi theo dõi, theo dõi, sau đó thật chắc chắn mới dám kết luận: Viêm ruột thừa và báo với bác sĩ trưởng tua (cọc 1) xem lần cuối để quyết định (chỉ định). Cách làm việc thận trọng, bài bản, chuẩn xác đã ăn sâu vào máu thịt thế hệ chúng tôi. Nghề y không được phép sai sót, từ những việc rất nhỏ. Nên từ việc ghi chép hồ sơ bệnh án tôi cũng làm thật riết ráo. Tôi yêu cầu ghi chép càng nhiều, càng dài càng tốt. Phải hỏi kỹ, phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho người bệnh, có sự giao tiếp nhiều thì mới có cái để ghi nhiều vào bệnh án. Ghi và nói là 2 việc khác nhau. Đã đặt bút ghi là buộc phải suy nghĩ. Ghi sai thì án tại hồ sơ. Nếu hôm nay ghi sai thì ngày mai ghi sai ít đi, ngày kia ít sai hơn nữa, đến một ngày sẽ ghi đúng. Tôi luôn xác định và truyền tải thông tin đặc biệt cho các em trẻ là để làm được việc lớn, việc nhỏ phải làm thật tốt đã.
Bộ Y tế và đặc biệt cá nhân Bộ trưởng rất ủng hộ phát triển BV E. Tôi luôn nói với anh em: Khi cấp trên đã ủng hộ mình, thì trách nhiệm của mình phải lớn hơn, phải nỗ lực hơn để Bộ trưởng thấy đã không nhầm khi đặt niềm tin vào mình. Cũng như tôi với các đồng chí. Nếu đã được Giám đốc ủng hộ, các đồng chí đừng ngồi một chỗ. Nếu tôi ủng hộ, các đồng chí cứ ỳ ra tôi sẽ không ủng hộ nữa. Hoặc các đồng chí không làm, tôi cử người khác làm. Phải quyết liệt đến như thế. Mà tôi đã làm thật. Tôi đã mời (và sẽ tiếp tục mời) một số người từ nơi khác về để xây dựng chuyên ngành đó phát triển tốt hơn, tất cả chỉ nhằm mục đích tạo dựng uy tín cho BV, người bệnh có được sự điều trị tốt nhất và cho đến nay hầu hết cán bộ viên chức BV đều đồng thuận.
GS.TS. Lê Ngọc Thành thực hiện ca phẫu thuật nội soi và vá thông liên nhĩ toàn bộ thứ 41 tại Trung tâm Tim mạch BV E. Ảnh: TX
Xây dựng bệnh viện không phải chỉ một mình ông giám đốc mà từ hộ lý trở đi
PV: Với những gì GS đã chia sẻ, xin hỏi một câu cuối: Làm thế nào để người lãnh đạo thực sự có thể thấu hiểu và cảm thông với cán bộ nhân viên của mình, theo ông?
GS.TS. Lê Ngọc Thành: Là một người lãnh đạo, tôi tâm niệm, việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cũng giống như vai trò người làm cha làm mẹ ở nhà. Trẻ con có giỏi, có ngoan khi được dạy dỗ, rèn luyện tốt và phải rèn luyện thường xuyên. Không ai có thể tự tốt được và cũng không ai là người xấu mãi. Người chưa tốt sẽ trở thành người tốt nếu được giáo dục liên tục, thường xuyên. Chỉ bằng cách đó thôi.
Những vấn đề mình cần chuyển tải mình phải nhắc thường xuyên. Tạo thành một phản xạ có điều kiện cho nhân viên. Thủ trưởng nói mãi, nhắc mãi ra rả hàng tuần như vậy, từ thấm ít sẽ thấm nhiều. Tôi cũng yêu cầu các trưởng khoa hàng tuần phải truyền đạt liên tục, thường xuyên và đầy đủ với nhân viên trong khoa mình, đủ từ hộ lý trở đi những thông điệp thay đổi để phát triển của BV. Việc xây dựng BV không phải chỉ mình ông giám đốc, mà từ cô hộ lý trở đi có làm tốt, BV mới tốt được.
PV: Xin chân thành cảm ơn GS về cuộc trò chuyện cởi mở này!