Trong khi người hâm mộ bóng đá nước nhà đang dõi theo hành trình thi đấu của các đội tuyển nam, nữ tại SEA Games 27 thì ở trong nước, các CLB cũng như nhà tổ chức giải - Công ty VPF - đang gấp gáp chuẩn bị những công việc cuối cùng trước khi bước vào mùa giải chuyên nghiệp 2014...
Chưa hết cảm giác bấp bênh
Cuối cùng, cái tên Kiên Long Bank Kiên Giang – CLB gặp rất nhiều trục trặc xung quanh công tác tổ chức cũng như tài chính ở mùa trước (đến nỗi nhiều lần đứng trước nguy cơ bị giải tán) – cũng đã... tự tan rã sau khi không đăng ký dự V.League 2014 theo hạn định. Những tưởng sau khi bất ngờ “chết đi sống lại” (bởi sự cố Xuân Thành Sài Gòn bỏ cuộc nên tránh phải rớt hạng), lãnh đạo tỉnh, ngành TDTT và các đối tác tài trợ sẽ ngồi lại với nhau để đưa ra biện pháp cứu đội bóng. Nhưng không phải vậy, bởi chính lãnh đạo địa phương cũng không hề mặn mà với điều này, trong khi nhà tài trợ Kiên Long Bank đang phải tự lo cho sự tồn vong của mình trước. Đây hẳn là một nỗi buồn đối với những người hâm mộ bóng đá của Kiên Giang này, nhưng họ đã không đến nỗi bị “sốc” vì “cái chết” ấy vốn đã được dự báo từ trước.

Một pha trong trận HN.T&T thua trên sân nhà trước HAGL mùa giải 2013.
Cảm giác bấp bênh càng lớn thêm khi một tên tuổi khác còn giàu truyền thống hơn, từng nhiều năm thi đấu trong hàng ngũ các đội hàng đầu Việt Nam - đội Bình Định - cũng quyết định không dự giải hạng Nhất vì không đảm bảo được quy định về kinh phí tối thiểu. Đây mới thật sự là một “đòn choáng váng” đối với đông đảo giới mộ điệu bóng đá, bởi Công nhân Nghĩa Bình trước đây, Bình Định sau này từng là một đội bóng rất giàu cá tính, một “lò đào tạo” - “điểm sáng” của bóng đá ở miền Trung.
Bất đắc dĩ, V.League 2014 sẽ diễn ra với con số lẻ: 13 đội, trong khi giải hạng Nhất cũng vẫn sẽ chỉ có 8 đội như mùa trước. Tuy nhiên, ở thời điểm này, điều người ta quan tâm nhiều hơn không phải số lượng mà chính là chất lượng của các CLB. Liệu từ những bài học tự thân cũng như từ thực tiễn phát triển mất cân đối, thiếu sự đầu tư có chiều sâu một cách căn cơ, các đội bóng thuộc 2 giải mang danh nghiệp “bóng đá chuyên nghiệp” của chúng ta có tìm ra được cho mình một “con đường sáng” kể từ mùa giải 2014?
Rất nhiều mối băn khoăn, ưu tư, lo lắng thể hiện trên gương mặt của các lãnh đạo CLB trong hội nghị chuẩn bị mùa giải mới tại Hà Nội hồi cuối tháng 11. Đã qua rồi cái thời các ông bầu có thể thoải mái vung tiền chỉ để đảm bảo nhanh chân hơn giành được một ngôi sao nào đó về cho mình. Bối cảnh kinh tế đất nước nói chung còn gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn tới “sức khỏe” của các doanh nghiệp. Đấy cũng là lý do khiến họ buộc phải toan tính nhiều hơn và những tính toán trong khâu đầu tư thương hiệu thông qua bóng đá cũng phải chặt chẽ hơn. Theo báo cáo của ông Trần Duy Ly - cựu trưởng BTC V.League, thành viên hội đồng chuyên môn do Công ty VPF thành lập đi kiểm tra các CLB vừa qua, vẫn còn khá nhiều vấn đề (đặc biệt về cơ sở vật chất) mà một số đội bóng phải gấp rút hoàn thiện. Hạn chót được đưa ra là ngày 15/12, sau đó, BTC sẽ tiến hành “thẩm định” lại một lần nữa trước khi ra quyết định cuối cùng về chất lượng của đội bóng có đảm bảo tham dự giải hay không.
Nếu không có gì thay đổi, mùa giải bóng đá chuyên nghiệp VN năm 2014 sẽ khai màn vào ngày 4/1 với trận Siêu cúp quốc gia. Sau đó 1 tuần, giải V.League sẽ được khởi tranh. Do chỉ có 8 đội nên giải hạng Nhất sẽ diễn ra muộn hơn, theo lịch dự kiến khai mạc vào ngày 15/3. Trước mắt, các CLB đại diện VN tham dự các giải châu Á năm 2014 là Hà Nội T&T (đương kim VĐQG) và Vissai Ninh Bình (vô địch cúp QG) sẽ phải đối mặt với lịch thi đấu dày đặc ở 3 mặt trận khác nhau (V.League, Cúp QG và AFC Cup), trong đó có những tháng phải đá tới... 6 trận.
Thấp thỏm chờ đợi
Than Quảng Ninh, Hùng Vương An Giang và QNK Quảng Nam đều là những cái tên mới lần đầu gia nhập vào hàng ngũ các đội bóng của V.League. Dù vậy, cả 3 đều đang có những động thái tích cực, vừa để hoàn thiện những quy định về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức bộ máy lẫn lực lượng tham dự giải. Việc QNK Quảng Nam mới đây chiêu mộ cả ngôi sao Leandro - người từng được mệnh danh là “King Lean” ở đất Hải Phòng - sau khi đem về khá nhiều tên tuổi cầu thủ nội đã thành danh là một bằng chứng cho thấy quyết tâm của đội bóng này ngay trong mùa đầu tiên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, cuộc đua ở nhóm đầu vẫn sẽ chỉ diễn ra giữa các đội bóng mạnh: Hà Nội T&T (đương kim vô địch), SHB Đà Nẵng (Á quân), Hoàng Anh Gia Lai (đội giành HCĐ), SLNA (hạng 4 mùa trước) hay Becamex Bình Dương - đội bóng “nhà giàu” mới thực hiện cuộc thay máu gần đây và vô địch BTV Cup 2013 với nguồn nhân lực mới. Trong số này, Sông Lam Nghệ An tuy là đội thuộc diện “nghèo”, mới bị mất một số trụ cột vào tay các đội khác, nhưng nhờ có một hệ thống đào tạo trẻ tốt, vẫn được kỳ vọng nhiều sẽ tiếp tục giới thiệu những gương mặt trẻ ấn tượng, tương tự các trường hợp của Trọng Hoàng, Văn Bình, Đình Đồng, Văn Hoàn, Hoàng Thịnh, Mạnh Hùng hay Phi Sơn trong mấy năm gần đây. Bên cạnh đó, những đội bóng khác như Thanh Hóa – một “hiện tượng” ở mùa trước, Hải Phòng (mới được chuyển giao lại từ đối tác Vicem cho UBND TP. Hải Phòng quản lý) hay Vissai Ninh Bình cũng hoàn toàn có khả năng “phá bĩnh” cuộc đua ở nhóm trên. Riêng Hải Phòng, sau khi tiếp nhận lại đội bóng, đang học tập mô hình tổ chức của CLB xứ Thanh, kêu gọi nhiều đối tác tài trợ khác nhau cùng góp vốn làm cổ đông xây dựng công ty cổ phần trực tiếp quản lý, “nuôi nấng” đội bóng. Với những diễn biến ấy, cuộc đua trụ hạng ở mùa giải mới xem ra sẽ gay cấn hơn rất nhiều khi có nhiều đội dạng sàn sàn nhau. Đương nhiên, cả 3 đội tân binh, cộng thêm Đồng Nai và không loại trừ cả “thế lực cũ” Đồng Tâm Long An, trong khi chưa tìm lại được vị thế ngày nào, cũng sẽ đều góp tên trong thành phần này.
13 đội tham dự V.League 2014: Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, Hoàng Anh Gia Lai, Sông Lam Nghệ An, Thanh Hóa, Vissai Ninh Bình, Becamex Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Đồng Tâm Long An, Than Quảng Ninh, Hùng Vương An Giang, QNK Quảng Nam.
8 đội dự giải hạng Nhất 2014: XSKT Cần Thơ, Cao su Đồng Tháp, XM Fico Tây Ninh, TPHCM, Hà Nội, Huế, Sana Khánh Hòa, Đắk Lắc.
Phan An