Đó là thông báo đầy hy vọng được các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Boston và Trường đại học Y Harvard (Mỹ) liên kết với Trường đại học Bách khoa liên bang Lausanne (Thụy Sĩ) công bố trên tạp chí Science Translational Medicine. Khoảng 1-4 trẻ trên 1.000 trẻ sơ sinh bị điếc ngay từ khi sinh. Phần lớn các trường hợp bị điếc sớm này là do gen. Hiện nay đã xác định được 70 gen có thể gây bệnh điếc nếu chúng bị đột biến, trong đó có gen TMC1.
Một trẻ mang hai bản sao chép đột biến gen TMC1 (đột biến lặn) khi sinh thì sẽ bị mất thính giác nặng ngay từ khi rất nhỏ. Trẻ chỉ mang một bản sao chép đột biến (đột biến trội) thì sẽ bị điếc tăng dần tới khi bị điếc hẳn khi được 10-15 tuổi.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hai nhóm chuột được tác động biến đổi gen tương ứng với hai trường hợp điếc này. Cả hai nhóm sau đó được chữa trị. Nhóm nghiên cứu của Trường Harvard đã tiêm vào tai chúng một loại virut biến đổi gen có chứa gen TMC khỏe mạnh để sửa chữa các tác động đột biến gen.
Thật ngạc nhiên, một thời gian sau, ở nhóm thứ nhất, khả năng đáp ứng với các âm thanh đã được phục hồi và con chuột bị điếc đã tìm lại được khả năng nghe. Nhóm thứ hai cho các kết quả tích cực ở cấp độ tế bào và não, nhưng kém thuyết phục hơn trong thính giác.
Phương Thúy
(Theo Sciences et Avenir)