Hà Nội

Hy vọng mới từ đột phá trong nhân bản người

01-11-2014 08:00 | Y học 360
google news

Sau một thời gian dài, các nhà khoa học cũng đã đạt được một bước đột phá trong kỹ thuật nhân bản người bằng cách chuyển các tế bào da thành các phôi giai đoạn đầu...

Sau một thời gian dài, các nhà khoa học cũng đã đạt được một bước đột phá trong kỹ thuật nhân bản người bằng cách chuyển các tế bào da thành các phôi giai đoạn đầu và sau đó đã được sử dụng để tạo ra các tế bào mô chuyên dùng cho cấy ghép nội tạng. Bước tiến này mở ra hướng cấy ghép mô mới nhằm điều trị các bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng, tim mạch và các tổn thương tủy sống.

Đột phá tạo tế bào gốc phôi từ chính tế bào da người

Một tin tức y học làm chấn động cộng đồng khoa học thế giới. Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một cách khá rõ ràng các tế bào gốc phôi người bằng cách sử dụng kỹ thuật nhân bản vô tính như cách đã từng làm dẫn đến sự ra đời của chú cừu Dolly.

Sơ đồ nhân bản người trong phòng thí nghiệm

Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên mối quan tâm về sự tạo phôi người dùng cho các mục đích y học và khả năng sử dụng kỹ thuật tương tự nhằm sản xuất các phôi thụ tinh trong ống nghiệm dành cho các cặp vợ chồng muốn có con theo đường nhân bản (hiện tại vẫn đang bị xem là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia). Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, công trình được thiết kế để sản sinh mô thay thế hoặc phẫu thuật cấy ghép từ các tế bào da của chính bệnh nhân, chứ không phải là cải thiện cơ hội của cái gọi là “sinh sản vô tính”. Tạo ra một nguồn dồi dào các tế bào gốc phôi từ chính tế bào da của bệnh nhân đang được ngợi ca là một trong những “Chiếc chén Thánh” của y học. Mặc dù thí nghiệm đã được tiến hành trên động vật - như chuột bạch và khỉ - nhưng cho đến nay chưa có nhiều thí nghiệm được tiến hành trên người.

Ông Shoukhrat Mitalipov, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Y tế Oregon (Portland, Oregon, Mỹ) cho biết, ông đã cho thêm caffein vào các tế bào để tạo ra các tế bào gốc phôi thai từ trứng của người. TS. Shoukhrat Mitalipov cho biết: “Người ta nghĩ rằng, để làm điều đó thì phải cần đến hàng ngàn trứng người. Nhưng, chúng tôi có thể sản xuất một dòng tế bào gốc phôi chỉ bằng cách dùng 2 trứng người và thực tế sẽ làm cho phương pháp điều trị này mang tính phổ quát rộng rãi. Phát hiện của chúng tôi cung cấp một số cách tiếp cận mới mẻ nhằm tạo ra các tế bào gốc cho bệnh nhân. Các tế bào gốc này có thể tái sinh và thay thế cho các tế bào gốc và các mô bị hư hỏng, đồng thời làm giảm bớt những căn bệnh có liên quan cho hàng triệu người”.

Hứa hẹn chữa trị các chứng bệnh thoái hóa

Các nhà nghiên cứu khác cũng tuyên bố rằng, họ đã tạo ra các phôi người nhân bản nhưng không ai công khai khẳng định rằng họ có thể tạo ra nguồn cung cấp phong phú các tế bào gốc phôi có thể chuyển đổi trong phòng thí nghiệm thành các tế bào mô thực hiện đầy đủ chức năng chuyên biệt như cơ tim. TS. Shoukhrat Mitalipov đã tạo ra những tiến bộ kỹ thuật quan trọng, cho phép phôi người nhân bản có thể tồn tại trong dạng 150 tế bào, được biết đến như một túi phôi, khi các tế bào gốc phôi có thể được trích xuất để nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm thành các tế bào mô chuyên ngành như tế bào thần kinh hoặc cơ tim. TS. Shoukhrat Mitalipov giải thích: “Một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng các tế bào gốc có nguồn gốc thông qua kỹ thuật này sẽ chứng tỏ khả năng của chúng trong việc chuyển đổi thành các tế bào gốc phôi bình thường, thành một vài loại tế bào khác nhau bao gồm tế bào thần kinh, tế bào gan và tế bào tim. Xa hơn nữa, bởi vì những tế bào tái lập trình như thế này có thể được tạo ra từ vật liệu di truyền hạt nhân từ bệnh nhân, nên không bị lấn cấn đến thải ghép. Trong khi có nhiều việc để làm nhằm phát triển các biện pháp tế bào gốc hiệu quả và an toàn, chúng tôi tin chắc rằng đây là bước tiến quan trọng trong phát triển các tế bào có thể dùng trong y học tái sinh”.

Nghiên cứu hướng tới mục đích là tạo ra các tế bào gốc phôi trong việc điều trị các chứng rối loạn nghiêm trọng từ các tế bào da của bệnh nhân và không phải nhằm mục đích nhân bản trẻ sơ sinh. TS. Shoukhrat Mitalipov khẳng định: “Đây không phải là trọng tâm của chúng tôi, cũng như chúng tôi không tin rằng ai đó sẽ lợi dụng nó để phục vụ việc nhân bản vô tính con người”. Đây là một bước tiến hết sức quan trọng. GS. Mary Herbert từ Đại học Newcastle (Anh) kết luận: “Các phát hiện đã cung cấp khả năng làm đẩy nhanh tiến độ phát triển của các tế bào phôi gốc chuyên biệt ở người trong điều trị một loạt các chứng bệnh thoái hóa”. Nghiên cứu khoa học vừa được công bố trên tạp chí Tế bào (Cell) uy tín.

(Theo Independent)

Nguyễn Thanh Hải

 


Ý kiến của bạn